“Quả bom nổ chậm” nhằm vào Nga và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Hình 1

Trái với mong muốn của ông Donald Trump, quan hệ Nga-Mỹ chưa hề có dấu hiệu giảm căng thẳng

Tiên liệu trước sự thất bại không thể tránh khỏi của ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton trước ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump, giới chính trị Mỹ thù ghét Nga đã cài sẵn “quả bom nổ chậm” sẵn sàng được kích nổ để làm thất bại chủ trương cải thiện quan hệ với Nga của chủ nhân mới của Nhà Trắng. Một trong những “quả bom nổ chậm” đó là cáo buộc “Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ” và quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga ra khỏi Mỹ. 

“Bom nổ chậm” mang tên “Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ” đã phát tác

Nếu như trên thực tế có chuyện “Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ” theo những tuyên bố có tính khẳng định “như đinh đóng cột”, thì với bộ máy an ninh khổng lồ và mạnh nhất thế giới, trong đó có bộ máy an ninh thông tin, chính quyền của Mỹ hoàn toàn có đủ mọi khả năng để vô hiệu hóa sự can thiệp đó. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng đặt câu hỏi: Nếu ông Obama khẳng định đã biết rõ mười mươi về việc “Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ” thì vì sao chính quyền ở Washington không hành động gì để ngăn cản hành động trên?

Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn ví chuyện cáo buộc “Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ” tương tự như chuyện cáo buộc phi lý “Iraq sở hữu vũ khí hóa học” để phát động chiến tranh ở quốc gia này trong năm 2003.

Thế nhưng, với bộ máy truyền thông, an ninh và ngoại giao khổng lồ và kỹ xảo “tẩy não” đối với công luận, câu chuyện “Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ” đã in dấu ấn sâu đậm vào nhận thức không chỉ của công chúng mà cả các nghị sỹ quốc hội Mỹ. Dấu ấn đó đã được thể hiện ở cuộc bỏ phiếu với số ý kiến đồng thuận chưa từng có về dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga.

Ngày 25/7/2017 Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua với 419 phiếu thuận và chỉ có 3 phiếu chống, bản dự luật áp đặt các đòn trừng phạt nhằm vào Nga (và cả Iran, Triều Tiên). Tiếp đến, ngày 27/7/2017, với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật này. Dự luật sẽ được chuyển tới Tổng thống Donald Trump và ông sẽ có 10 ngày xem xét để quyết định phê chuẩn hoặc phủ quyết. Trong trường hợp Nhà Trắng phủ quyết, dự luật sẽ vẫn trở thành luật nếu 2/3 thành viên của cả hai Viện Quốc hội Mỹ bác bỏ quyết định của tổng thống.

Theo dự luật này, Mỹ sẽ siết chặt trừng phạt Nga do Matxcơva “can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và hành động của họ ở Ukraine và Syria”. Còn Iran và Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt vì các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố. 

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới đòn trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga là để làm phá sản các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác nhằm đưa Mỹ chiếm lĩnh thị trường năng lượng châu Âu, trước hết là thị trường khí đốt. Vì thế, cả ở Nga và ở châu Âu đều quan tâm đến các lệnh trừng phạt mới bởi nó cũng nhằm chống lại cả các công ty năng lượng châu Âu vốn đang tham gia vào dự án của Nga.

Theo tin trên trang mạng EurActiv, các đề án và các công ty của EU liên doanh với Nga có thể bị thiệt hại từ dự luật mới cấm vận Nga, gồm có "Blue Stream" (“Dòng khí xanh”) liên doanh giữa Eni và Gazprom; "Nord Stream-2" (“Dòng chảy Phương Bắc") liên doanh giữa Gazprom và nhiều công ty của châu Âu; “Baltic LNG” và “Sakhalin-2” liên doanh giữa Gazprom và tập đoàn Shell; “Caspian Pipeline Consortium” (“Dòng chảy Caspien”) liên doanh giữa Rosneft của Nga và Shell, Eni;   “Zhor Field” liên doanh giữa Rosneft của Nga với BP và Eni; "Shah Deniz" liên doanh giữa BP và "Lukoil" của Nga.

Trong đó, đối thủ chính của ngành năng lượng Mỹ là Tập đoàn khí đốt của Nga “Gazprom” đang kiểm soát 15% nguồn khí đốt thế giới và 70% trữ lượng trên lãnh thổ Liên bang Nga. Trong dự án xây dựng đường ống khí đốt thứ 2 chạy qua đáy biển Baltic có sự tham gia của các công ty đến từ Áo, Pháp, Đức, Hà Lan, Anh. Vì thế, trên thực tế, mặc dù có sự phản ứng mạnh mẽ của các nước Đông Âu như Ba Lan, Litva và Latvia theo chỉ đạo từ Washington, nhưng đến nay dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” vẫn đang được xây dựng vì vẫn có nhiều nước ủng hộ, trước hết là Đức. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Áo Kristan Kern cho rằng việc cung cấp năng lượng cho châu Âu là việc của chính châu Âu chứ không phải của Mỹ. 

Đức và Áo đã không thể che giấu nổi sự thất vọng khi biết rằng cả đảng Dân chủ và Cộng hòa trong lưỡng viện của Quốc hội Mỹ đều thống nhất dự thảo luật về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Berlin và Vienna lo ngại rằng các biện pháp cấm vận này có thể tác động tiêu cực tới việc cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu. EU cũng phản đối hành động này của Mỹ do lo ngại về những thiệt hại mà các biện pháp trừng phạt này gây ra cho các công ty năng lượng châu Âu.

Trước đó, EU đã từng yêu cầu Washington phải thống nhất với Brussels về các lệnh trừng phạt và đe dọa nếu không sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả. Tất nhiên, Mỹ chẳng hề đếm xỉa tới việc hỏi ý kiến của các đồng minh châu Âu và cũng tin rằng EU sẽ không dám “cả gan” đưa ra bất cứ biện pháp đáp trả chống lại Mỹ bởi trên thực tế đến nay Brussels vẫn chưa thể thoát khỏi “vòng kim cô Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bị tước bỏ quyền lực?

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ năm 2016, ứng cử viên Donald Trump tuyên bố rằng nếu trở thành chủ nhân Nhà Trắng ông sẽ cải thiện quan hệ với Nga và sẽ sẵn sàng hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố. Trên trang Twitter cá nhân, Donald Trump viết: "Quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tốt chứ sao. Chỉ có những kẻ ngốc mới cho rằng đối xử tồi tệ với Nga là tốt cho chúng ta!".

“Quả bom nổ chậm” nhằm vào Nga và Tổng thống Mỹ Donald Trump - Hình 2

Ông Trump hứa sửa chữa quan hệ với Nga nhưng quan hệ Mỹ-Nga hiện vẫn chưa thoát khỏi quỹ đạo căng thẳng

Ngay sau khi đắc cử, trong cuộc nói chuyện điện thoại đầu tiên với Tổng thống Nga V.Putin, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ coi Nga là một đối tác chứ không phải là kẻ thù như Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama từng quan niệm. Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua ở Hamburg, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin đã có cuộc trao đổi ý kiến hơn 2 giờ, trong đó hai ông đã thiết lập quan hệ cá nhân và thảo luận về quan hệ Mỹ-Nga. Cuộc gặp được cả hai bên đánh giá tích cực.

Thế nhưng, dự luật cấm vận Nga vừa được hai Viện của Quốc hội Mỹ thông qua là một đòn giáng mạnh vào chủ trương chung của Tổng thống Mỹ Donald Trump cải thiện quan hệ với Nga. Theo dự luật này, Quốc hội Mỹ có quyền tước bỏ mọi quyền hạn hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump một khi ông muốn nới lỏng hay hủy bỏ các biện pháp cấm vận Nga. Rộng hơn, Quốc hộ sẽ có quyền phủ quyết bất kỳ quyết định nào của tổng thống có thể thay đổi đáng kể chính sách đối ngoại của Mỹ trong quan hệ với Nga.

Điều này có thể giải thích được khi nghiên cứu chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Liên Xô trước đây cũng như Liên bang Nga ngày nay, theo đó mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ II không phụ thuộc vào việc ai là chủ nhân Nhà Trắng, mà là phụ thuộc vào quan điểm của “nhà nước ngầm” ở Mỹ cho rằng Liên Xô trước đây và Nga ngày nay là cản trở lớn nhất đối với chiến lược toàn cầu nhằm bá chủ thế giới của Mỹ.

Chiến tranh lạnh chính là để thực hiện mục tiêu mà Mỹ chưa đạt được trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Sau Chiến tranh lạnh, tuy Liên Xô tan rã, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phức hợp bao gồm các biện pháp kinh tế, chính trị, quân sự, thông tin-tư tưởng và chiến tranh tâm lý để làm tan rã nước Nga như một quốc gia có chủ quyền mặc dù Matxcơva đã lựa chọn con đường phát triển hội nhập vào phương Tây.

Nhận định về dự luật mới của Quốc hội Mỹ cấm vận Nga, ngày 27/7/2017 Tổng thống Nga V.Putin nói trong cuộc họp báo nhân chuyến thăm Phần Lan: “Đã đến lúc nước Nga không thể chịu đựng được mãi cách hành xử như vậy. Tạm thời Matxcơva phải kiểm chế, nhưng không sớm thì muộn chúng tôi sẽ phải có hành động đáp trả”.

Trước đó, tại Diễn đàn kinh tế thế giới Saint-Peterbug-2017, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nữ nhà báo Mỹ nổi tiếng Phil McClosland của hãng truyền hình NBC về những cáo buộc Nga “can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ”, Tổng thống Nga V.Putin nói: “Kết quả bầu cử mang lại thắng lợi cho ứng cử viên Donald Trump là do đội vận động tranh cử của Hillary Clinton hành động không hiệu quả. Đó là việc nội bộ của nước Mỹ. Thế mà họ lại đổ lỗi cho "Nga can thiệp". Nước Nga, có liên quan gì ở đây nào? Đã đến lúc, các quý vị hãy chấm dứt cách ứng xử theo lối ngồi lên đầu chúng tôi, vừa rung đùi, vừa nhai kẹo cao su! Hãy chấm dứt ngay đi thói ngạo mạn đó và khi ấy cả các vị và chúng tôi đều sẽ thấy nhẹ nhõm!”

Với những diễn biến mới này, quan hệ Mỹ-Nga dưới thời cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rất khó được cải thiện, nếu không muốn nói là không thể. Do đó, cục diện chính trị thế giới sẽ còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường./.

Đại tá Lê Thế Mẫu – VietTimes