Ông Nguyễn Hữu Sơn, cựu chiến binh, Nguyên Xá, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Làm rõ trách nhiệm của một số cán bộ
Theo kết luận của thanh tra thành phố Hà Nội số 795/KL-TTTP ngày 05/4/2013 về việc chấp hành pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư GPMB trên địa bàn huyện Từ Liêm (cũ) trong thời gian từ 2008 - 2011.
Trách nhiệm của hàng loạt cán bộ quận Bắc Từ Liêm đã để xảy ra sai phạm tại dự án mở rộng và cải tạo Quốc lộ 32 (đoạn Cầu Diễn - Nhổn) số tiền thất thoát lên tới 72 tỷ đồng. Vậy nhưng trách nhiệm pháp luật của ông Nguyễn Kim Vinh, Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng hỗ trợ bồi thường và tái định cư dự án cải tạo và mở rộng Quốc lộ 32, phó chủ tịch UBND huyện Từ Liêm (cũ) được nêu đích danh và chưa được làm rõ về trách nhiệm cá nhân trước pháp luật (tại trang 7 và 10 kết luận 795/ KL-TTTP) thì lại tiếp tục trúng cử đại biểu HĐND quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ông Nguyễn Văn Sỹ (Chủ tịch UBND xã Minh Khai, nay là Chánh văn phòng quận Bắc Từ Liêm) và ông Phí Lê Bình (Chủ tịch UBND xã Phú Diễn (cũ) phải chịu trách nhiệm trực tiếp về xác nhận nguồn gốc đất, tài sản trên đất, đã xác nhận chưa chính xác về nguồn gốc đất, tài sản trên đất của 16 hộ, từ đó dẫn tới việc bồi thường, hỗ trợ đất, tài sản không đúng quy định (sai phạm được nêu đích danh tại trang 10 và 12 của kết luận 795/ KL-TTTP).
Với kết luận sai phạm rất rõ như vậy nhưng không hiểu vì lý do gì mà họ vẫn được giữ vị trí quan trọng? Những kiến nghị xử lý về kinh tế đã được các cá nhân, tập thể khắc phục ra sao? Vẫn còn bỏ ngỏ.
Cũng bởi lý do đó mà người dân tại quận Bắc Từ Liêm vẫn không ngừng khiếu nại, khiếu kiện từ nhiều năm trở lại đây. Xin được dẫn chứng 2 dự án điển hình như: Dự án mở rộng và cải tạo, nâng cấp đường 32 và Dự án Đề pô xe điện. Hai dự án này đã kéo dài trong nhiều năm vẫn còn bề bộn và cũng chừng ấy năm dân “miệt mài” đi kiện.
Dự án đường 32 - dân lo sợ không có đất ở
Theo như đơn phản ánh của bà con, hiện tại dự án trạm trung chuyển đa phương thức, bãi đỗ xe công cộng, điểm đầu cuối xe buýt tại đường 32 phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm vẫn chưa ai nhìn thấy quyết định thu hồi đất của UBND thành phố Hà Nội, nhưng chính quyền phường Minh Khai vẫn liên tục ép dân, trả giá thấp, nhà cửa đền bù chỉ có 10%... Tuy nhiên cho đến nay, chính quyền vẫn không giải quyết dứt điểm những kiến nghị của dân cũng như đền bù, bồi thường quyền lợi của người dân đúng theo quy định pháp luật mà cách hành xử của chính quyền khiến gia tăng thêm những bức xúc bấy lâu của bà con.
Để rộng đường dư luận, xin được nêu một vài gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như:
Gia đình ông Nguyễn Hữu Sơn (hộ khẩu tại Nguyên Xá, Minh Khai, Bắc Từ Liêm) có hoàn cảnh vô cùng đáng thương, bản thân ông Sơn là một cựu chiến binh, mù một bên mắt, vợ bị tâm thần suốt 40 năm nay, gia đình gồm 13 thành viên. Theo quyết định số 9196/QĐ-UBND ngày 14/7/2010 do ông Lê Văn Thư - Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Theo đó ông Sơn được nhận bố trí đất tái định cư 40m2 và tiền hỗ trợ các khoản là 107 triệu. Nhưng gia đình không được nhận tiền hỗ trợ 107 triệu mà phải nộp thêm 189 triệu để có 40m2 đất tái định cư.
Gia đình bà Phí Thị Thiện (hộ khẩu Nguyên Xá 2, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) với 12 thành viên đều cư trú cùng địa chỉ. Bà Thiện khiếu nại về việc thu hồi đất của chính quyền để thực hiện Dự án Trạm trung chuyển đa phương thức, bãi đỗ xe công cộng và điểm đầu cuối xe buýt tại phường Minh Khai. Theo quyết định số 9337/QĐ-UBND ngày 14/7/2010 do ông Lê Văn Thư - Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm ký; phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ là 23.363.580 đồng. Diện tích bị thu hồi: 189,3m2 đất. Gia đình bà được bố trí đất tái định cư 80m2 đất với mức giá 6.500.000 đồng/m2. Bà cũng đã đóng tiền nhưng 7 năm trôi qua vẫn chưa có đất, khiến mọi sinh hoạt của 12 thành viên nhiều bất tiện.
Ngoài ra, còn có gia đình ông Nguyễn Quốc Hùng (1967); gia đình bà Nguyễn Hải Anh (1964)... cùng ở Nguyên Xá, Minh Khai, Bắc Từ Liêm đều có quyết định thu hồi và có phê duyệt bồi thường hỗ trợ cùng việc sẽ được bố trí đất tái định cư với giá đất tại thời điểm của năm 2010. Cũng đóng tiền được 7 năm nhưng chưa có đất để tạo lập nơi ở mới.
Ông Hùng cũng cho biết thêm: “ngạc nhiên là có những hộ lại được bồi thường, hỗ trợ tới 50% trong khi như nhà chúng tôi chỉ có 10%, điều này chính quyền cũng không giải thích cho dân hiểu...”
Trong 7 năm dân chờ đợi trong vô vọng, đi khiếu nại các nơi nhưng các cấp chính quyền vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho sự chậm trễ này khiến người dân luôn sống trong cảnh bất an, lo lắng.
Sai phạm của những vị quan chức được chỉ đích danh trong kết luận của thanh tra thành phố được tiến hành xử lý như thế nào? Đã khắc phục được đến đâu? Vì sao dân phải chờ đợi trong thời gian dài mà vẫn chưa được giao đất?
Đề nghị UBND TP. Hà Nội kiểm tra và chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật.
Linh Tuệ