Đó là yêu cầu trong kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng Sáu năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng Sáu và 06 tháng năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương ưu tiên ngân sách chia sẻ khó khăn với Chính phủ triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm ổn định cung cầu giá cả nhất là các chiến lược hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối vùng nông thôn, miền núi để đưa hàng Việt về nông thôn, phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát hàng giả hàng, nhái hàng lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển thị trường nội địa.”
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo thực hiện 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng; Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả.
Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu Bộ KHĐT chủ trì xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhất là về giải phóng mặt bằng, kịp thời công bố giá nguyên, vật liệu xây dựng hàng tháng phục vụ các dự án đầu tư công; Chú trọng rà soát điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công; báo cáo cụ thể và đề xuất xử lý nghiêm các cơ quan, địa phương làm chậm, vi phạm quy định.
Quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, phòng chống đầu cơ, buôn lậu; Bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng; Bảo đảm an ninh lương thực; Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, quy hoạch, cơ chế, chính sách; Triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các Nghị quyết về phát triển vùng và một số dự án giao thông trọng điểm.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Đặc biệt về vấn đề giảm học phí cho học sinh và hỗ trợ cho giáo viên bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm học 2022 -2023, Thủ tướng yêu cầu: “Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản tinh thần chung là giảm chi phí cho học sinh và phụ huynh trong điều kiện hiện nay làm sao cho phù hợp, khoa học, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn. Các bộ, ngành và đặc biệt Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Tài chính, các đồng chí chủ trì để làm cái việc này. Tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện phương án đối với môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông vừa có phần bắt buộc, và vừa có phần tự chọn; Ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non tiểu học ngoài công lập.”
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong hệ thống hành chính Nhà nước;
Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, bảo đảm người dân, doanh nghiệp cập nhật kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, sai sự thật; xử lý nghiêm các vi phạm.
C.H.Đ (t/h)