Những hạn chế, bất cập
Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế cơ bản trong quá trình sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp.
Theo đó, kết quả sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị thực hiện chậm, hiệu quả đạt thấp, nhiều mục tiêu không hoàn thành; nhiều nông lâm trường hoạt động không hiệu quả nhưng vẫn tồn tại. Hầu hết các nông lâm trường mới thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty hoặc ban quản lý mà chưa có sự thay đổi trong quản trị đơn vị và quản lý, sử dụng đất đai.
Việc rà soát sử dụng đất của các nông lâm trường, chủ yếu thực hiện trên sổ sách mà không được rà soát trên thực địa. Hầu hết nông lâm trường sau khi được sắp xếp lại đã không thực hiện việc lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết để phù hợp yêu cầu nhiệm vụ mới sau khi sắp xếp lại. Phần lớn các nông lâm trường chuyển đổi thành doanh nghiệp (hơn 60% nông lâm trường với khoảng 88% diện tích) chưa làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.
Việc thực hiện triển khai nhiệm vụ hạn chế, tiến độ còn chậm. Tính đến tháng 12/2020, đa số địa phương mới xây dựng dự thảo phương án sử dụng đất, chỉ có 12/45 tỉnh phê duyệt Phương án sử dụng đất của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp. Toàn bộ các địa phương đều chưa phê duyệt phương án sử dụng quỹ đất bàn giao về địa phương khi rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, trong khi đây là nền tảng cơ bản để triển khai các nhiệm vụ tiếp theo. Do đó, việc triển khai thực hiện rà soát, xác định, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận đối với các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp bị ách tắc ở khâu hoàn thiện cuối cùng.
Việc thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp, đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật như giao khoán đất nông lâm nghiệp cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông lâm nghiệp. Nhiều nông trường, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông nghiệp, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc.
Một số nông lâm trường để người nhận khoán chuyển nhượng đất cho người ở các địa phương khác không nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Nhiều nông lâm trường thực hiện bán vườn cây, hoặc khoán trắng dẫn đến không quản lý được sản xuất do người nhận khoán cho rằng vườn cây, đất giao khoán là của người lao động tự đầu tư nên không chấp nhận việc quản lý về đất đai và điều hành sản xuất của nông lâm trường (điển hình như Công ty Chè Mộc Châu, Công ty Chè Yên Bái, Công ty CP Thực phẩm Bắc Giang, Công ty CP Đông Triều...).
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông lâm trường theo kết quả rà soát ở các địa phương còn chậm. Đến nay, còn 83,1% diện tích chưa được cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong đó, nhiều nông lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ trước khi được sắp xếp lại theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, sau khi sắp xếp lại đã chuyển đổi loại hình tổ chức, thay đổi chế độ sử dụng và thu hẹp quy mô đất đai, nhưng chưa làm thủ tục điều chỉnh hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số nông lâm trường đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây có diện tích cấp lớn hơn diện tích hiện nay đang quản lý, sử dụng, do hồ sơ giao đất không sát thực tế.
Ngoài ra, theo Chính phủ, việc bàn giao đất cho địa phương quản lý thực hiện còn chậm. Báo cáo của các địa phương, trong hơn 10 năm qua, các nông lâm trường, ban quản lý rừng đã bàn giao cho địa phương quản lý 1.056.146 ha. Tuy nhiên, so quy định của pháp luật đất đai và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị, thì diện tích đất đã bàn giao cho địa phương còn thấp so yêu cầu.
Nhiều nông lâm trường chủ yếu mới thực hiện việc bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa; việc thu hồi đất của các nông lâm trường sau khi sắp xếp lại thực hiện còn chậm dẫn đến tình trạng đất “vô chủ” kéo dài, làm gia tăng tình trạng lấn chiếm đất trái phép...
Tăng cường quản lý đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường quốc doanh
Chỉ ra nhiều nguyên nhân
Theo Chính phủ, nguyên nhân khách quan là do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng chủ thể chính đang quản lý và sử dụng đất là các doanh nghiệp đặc thù có nhiều khó khăn.
Cụ thể như: Địa bàn hoạt động rộng, chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, giao thông, cơ sở hạ tầng thấp kém; phần lớn lao động không được đào tạo tay nghề; năng lực đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế; dân cư ở các vùng này chủ yếu làm nông nghiệp, nơi cư trú và sản xuất dàn trải, nhiều nơi xen lẫn với các diện tích đất đã được giao cho các nông lâm trường quản lý...
Quá trình rà soát, đo đạc, lập bản đồ, cắm mốc xác định ranh giới, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp nông lâm nghiệp tốn nhiều thời gian, vướng mắc do lịch sử để lại. Việc xác lập giá trị quyền sử dụng đất, rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hết sức phức tạp và tốn kém kinh phí. Việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai liên quan đến nhiều vấn đề phức tạp, phát sinh trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của các nông lâm trường quốc doanh thời kỳ bao cấp...
Nguyên nhân chủ quan là do việc giao đất cho các nông lâm trường trước đây không cụ thể, không được đo đạc, xác định ranh giới trên thực địa. Nhiều trường hợp chỉ khoanh vẽ trên bản đồ, độ chính xác thấp dẫn đến giao đất chồng lấn lên đất của nhiều tổ chức, cá nhân khác đang sử dụng, đặc biệt là tại địa bàn của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp quản lý rừng tự nhiên. Hồ sơ đất đai của các nông lâm trường chưa được lập và lưu trữ đầy đủ, chặt chẽ.
Do nhận thức của một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý và người dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nông lâm trường, các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp còn hạn chế. Sự chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra chưa sâu sát, thiếu quyết liệt, chậm phát hiện, hoặc phát hiện được tình hình nhưng chưa có biện pháp cụ thể. Chưa có chế tài phù hợp để quy trách nhiệm, xử lý những vi phạm của đơn vị và địa phương buông lỏng quản lý, sử dụng đất đai, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai.
Một số địa phương nơi có nông lâm trường, công tác quản lý còn có sự buông lỏng: Chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện rà soát, kiểm kê, theo dõi biến động đất đai thường xuyên; chưa quan tâm phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp, đổi mới nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế, thu hồi đất sử dụng sai mục đích; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý các tranh chấp, vi phạm pháp luật đất đai chưa thường xuyên, kịp thời...
Bên cạnh đó, không ít nông lâm trường, công tác quản lý, sử dụng đất đai còn lỏng lẻo, thiếu kiểm tra việc thực hiện các hình thức khoán, thiếu đầu tư dẫn đến tình trạng mất dần khả năng quản lý đất đai được giao.
Một số địa phương đang gặp khó khăn về xác định thời điểm để tính giá thuê đất sau khi rà soát, sắp xếp, xác định giá đất làm căn cứ xác định đơn giá thuê đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xác định việc miễn giảm tiền thuê đất... Ngoài ra, vướng mắc về cơ chế, xác định đối tượng giao khoán đất nông nghiệp...
Một số giải pháp, đề xuất
Chính phủ nêu rõ, tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai; cho thuê, cho mượn đất, tự ý chuyển mục đích, chuyển nhượng đất trái pháp luật; vi phạm hợp đồng nhận khoán đất và vườn cây. Nếu để tình trạng này tiếp diễn kéo dài, có thể gây ra xung đột lợi ích gay gắt giữa người dân với các nông lâm trường, tạo ra các điểm nóng.
Bởi vậy, cần phải có những quyết sách đột phá trong công tác quản lý và sử dụng đất đai. Trong đó, tập trung ổn định người sử dụng đất tại chỗ, bảo vệ đất đai và tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp triển khai thực hiện nhiều giải pháp trong công tác này.
Trước hết, tiếp tục rà soát tổng thể các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp. Có chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và dân di cư tự do là các hộ dân tộc thiểu số, các hộ nghèo... để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Xây dựng kế hoạch chi tiết, ưu tiên nguồn lực đất đai, kinh phí và con người để thực hiện chính sách đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất và dân di cư tự do là các hộ dân tộc thiểu số, các hộ nghèo để giảm thiểu việc lấn chiếm đất đai. Xem xét, cập nhật nội dung, phương án quy hoạch quỹ đất bố trí cho đồng bào dân tộc thiểu số vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để có cơ sở triển khai thực hiện.
Hoàn thiện các văn bản triển khai, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng.
Các địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, cơ chế xây dựng, phát triển các mô hình quản trị doanh nghiệp; đổi mới mô hình quản lý các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ cao, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi sát sao, hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra.
Chủ động đề xuất các giải pháp, phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất nông lâm nghiệp của các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Phê duyệt phương án sử dụng đất đai đối với từng nông lâm trường tại địa phương…
Ngoài ra, Chính phủ xem xét cân đối nguồn lực từ ngân sách trung ương hỗ trợ 100% nguồn kinh phí để các địa phương đảm bảo cơ bản việc đo đạc, cắm mốc giới đất đai, vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng. Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội về quản lý, sử dụng đất đai tại các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc lựa chọn mô hình hoạt động tại các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp mang tính quyết định cho sự phát triển của doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới. Đã có nhiều địa phương làm tốt công tác quản lý, tạo ra sự phát triển ổn định, đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, góp phần bảo vệ tốt tài nguyên đất đai, rừng và tài sản của Nhà nước, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Bùi Quyền