Theo báo cáo nhanh, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 2.614 vụ, phát hiện, xử lý 2.510 vụ vi phạm với tổng số thu 6,5 tỷ đồng.

Trong đó tiền phạt vi phạm hành chính là 4,4 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu là 2,1 tỷ đồng đối những trường hợp vi phạm.

Quản lý thị trường xử lý 2.510 vụ vi phạm hàng hóa trong 1 tuần - Hình 1

Tại Quảng Ninh mới đây đã bắt giữ 55.000 bao thuốc lá lậu. Trong quá trình kiểm tra, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt quả tang Phạm Đình Phi, thường trú tại tổ 3, khu 1, phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh quảng Ninh tàng trữ 110 thùng thuốc lá điếu các loại (55.000 bao) do nước ngoài sản xuất gồm các nhãn hiệu: Blend No.555 (40 thùng), Blend 555 Mandarin (03 thùng), Blend No.555 Original (03 thùng), Marlboro Gold (05 thùng), Shenlong (03 thùng), ESSE ligths (07 thùng), Hero (08 thùng), Shuangxi Classic Style (01 thùng), Raison (03 thùng), Richmond (03 thùng), ESSE Special Gold (17 thùng), ESSE Classic (11 thùng), Winston (01 thùng) và  Zest (02 thùng).

Sau đó phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo Điều 190 Bộ luật hình sự năm 2015 về hành vi buôn bán hàng cấm và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Vào ngày 5/6, tại khu vực kênh Rạch Tràm, thuộc ấp Phước Mỹ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Tổ công tác phòng, chống buôn lậu thuộc Đồn Biên phòng Phước Chỉ, BĐBP Tây Ninh, đang mật phục thì phát hiện một số đối tượng điều khiển ghe máy từ Campuchia vào Việt Nam có dấu hiệu khả nghi.

Qua kiểm tra phát hiện trên ghe có 11 bao tải chứa 6.600 gói thuốc lá ngoại, gồm: 1.200 gói thuốc hiệu Herro và 5.400 gói thuốc hiệu Zet.

Hiện vụ việc đang được tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Vào ngày 6/6, Đội Quản lý thị trường số 2 Lạng Sơn vừa phối hợp với Đội kiểm tra thuộc Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại bãi đỗ xe Tùng Việt, khu Ga, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, phát hiện gần 2 tấn mỹ phẩm nhập lậu.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện hàng trăm thùng các-tông chứa hơn 1.000 lọ kem dưỡng da, sữa rửa mặt; gần 3.500 tuýp kem đánh răng và khoảng 4.000 miếng dán giảm mỡ thẩm mỹ. Toàn bộ số hàng hóa này đều được sản xuất ở nước ngoài và không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Riêng lô kem đánh răng nhãn hiệu SENSODYNE có dấu hiệu bị làm giả nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Hiện tại, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ hàng hóa này và phối hợp với đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu SENSODYNE để xác định vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hoàng An