THCL Làm trái với quy hoạch điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bất chấp chủ trương và chỉ đạo của UBND Thành phố, được sự “tiếp tay” của UBND quận Ngô Quyền, UBND phường Đông Khê đã ngang nhiên phối hợp cùng Công ty CP nuôi trồng thuỷ sản Thuận Thiện Phát đầu tư mở rộng, khai thác, kinh doanh nghĩa trang ngay giữa lòng thành phố, biến nghĩa trang nhân dân thành nghĩa trang “doanh dân”, gây bức xúc trong dư luận.

Quận Ngô Quyền (TP.Hải Phòng): Nhiều khất tất trong đầu tư, quản lý khai thác nghĩa trang Vườn Quyến - Hình 1

 Biến công thành tư

Nghĩa trang Vườn Quyến, phường Đông Khê, quân Ngô Quyền trước đây là nghĩa trang nhân dân, nơi an nghỉ cuối cùng của người dân khu vực với hàng ngàn ngôi mộ được hung táng và cát táng theo tập quán của nhân dân địa phương. Việc quản lý nghĩa trang được tổ chức theo hình thức tự nguyện, do các đoàn thể của địa phương quản lý.

Tuy nhiên, cuối năm 2011, lợi dụng chủ trương xã hội hoá trong đầu tư xây dựng các công trình văn hoá xã hội, UBND phường Đông Khê đã ký hợp đồng giao toàn bộ nghĩa trang Vườn Quyến cho Công ty CP nuôi trồng thuỷ sản Thuận Thiện Phát đầu tư mở rộng, toàn quyền quản lý và khai thác kinh doanh, thu lời bất minh nhiều năm qua.

Người dân bức xúc, Vườn Quyến từ nhiều đời nay là nghĩa trang của phường Đông Khê, liên quan đến hàng ngàn hộ dân cùng rất nhiều dòng họ lớn trên địa bàn. Là nghĩa trang nhân dân, nên trước năm 2012 khi an táng người thân tại đây người dân không phải bỏ tiền mua đất và không phải đóng rất nhiều khoản phí như bây giờ.

Kể từ khi Công ty Thuận Thiện Phát về đây kinh doanh, họ đã không ngừng thu mua thêm hàng nghìn m2 đất có sổ đỏ liền kề, đất nông nghiệp, đất ao hồ,... san lấp, mở rộng diện tích nghĩa trang để xây dựng hàng nghìn bể mộ kinh doanh buôn bán, kiếm lời cả trăm tỷ đồng.

Lợi cho người dân phường Đông Khê đâu không thấy, nhưng mọi hoạt động của người dân tại nghĩa trang Vườn Quyến bây giờ đều do ông Trần Đức Hoà – Giám Công ty Thuận Thiện Phát quản lý và thu rất nhiều các loại tiền khác nhau do họ đặt ra và yêu cầu phải tuân thủ thực hiện như: Tiền hố đặt tiểu/tro cốt, chi phí điện nước phục vụ, tiền công dâng đặt, tiền tiểu, tiền bốc lấp hạ tiểu, tiền đất lấp bể mộ,... Với người dân địa phương đã là những số tiền rất lớn, còn nếu là người địa phương khác đến thì tiền thu sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều, đều ở mức 200% đến 300% so với mức giá do ban quản lý nghĩa trang yêu cầu.

Hiện nay, để mua mỗi bể mộ có kích thước khoảng 1m x 0,6m, ở vị trí xấu, mức thấp nhất giành cho hộ diện nghèo cũng lên tới 15.000.000đ, còn mức trung bình giao động từ 25.000.000 đến 30.000.000đ. Một con số khủng khiếp cho diện tích đất chưa đầy 1m2.

Người dân chia sẻ, với các hộ gia đình khá giả thì không sao, tuy nhiên với các hộ có mức thu nhập thấp, hộ nghèo thì các chi phí như bây giờ đúng là “không dám chết”. Tiền lo tang lễ, tiền hoả táng, tiền hung táng, tiền đặt tiểu/tro cốt, tiền nhà mồ và vô vàn các loại phí, lễ nghi khác liên quan,… rồi có khi… đến chết mà cũng không hết nợ!

Chúng tôi chỉ biết Công ty của ông Hoà chủ yếu làm nuôi trồng thuỷ hải sản, không biết Công ty Thuận Thiện Phát tại sao lại được kinh doanh nghĩa trang của phường? Họ có chức năng đó hay không? Việc này đã được cấp ngành nào cho phép? Các khoản thu từ nghĩa trang suốt thời gian qua được quản lý, hạch toán như thế nào?

Thành phố không đồng ý

Theo tài liệu phóng viên thu thập được, sau khi được quận Ngô Quyền “bật đèn xanh”, phường Đông Khê đã tiến hành lập quy hoạch và lập dự án “Xây dựng công viên nghĩa trang Vườn Quyến – P.Đông Khê – Q.Ngô Quyền – TP.Hải Phòng” .

Hoàn tất việc lập dự án, ngày 01/03/2011, Chủ tich UBND phường Đông Khê đã có tờ trình số 01/TTr-UBND do Bà Đinh Thị Lương (nay là Chủ tịch Uỷ ban MTTQ quận Ngô Quyền) ký gửi quận Ngô Quyền đề nghị thẩm định dự án đầu tư xây dựng nghĩa trang Vườn Quyến với quy mô 4,3ha, tổng mức đầu tư là 24.051.264.000đ thông qua việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình theo hình thức hợp đồng BOT (đầu tư – kinh doanh - chuyển giao), thời gian thực hiện và khai thác dự án là 16,4 năm.

Trên cơ sở đó, ngày 05/04/2011,  Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền đã có công văn số 143/UBND-TCKH do ông Nguyễn Xuân Phi (nay là Bí thư Quận uỷ Ngô Quyền) ký, đề nghị UBND Thành phố xem xét, cho phép UBND quận đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Vườn Quyến và khu nhà tang lễ tại phường Đông Khê.

Tiếp nhận đề nghị của quận Ngô Quyền, ngày 14/4/2011, UBND Thành phố Hải Phòng đã ban hành văn bản số 1805/UBND-KTĐN giao Sở Xây dựng chủ trì, cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và các cấp ngành có liên quan nghiên cứu đề xuất, báo cáo UBND thành phố.

Sau khi kiểm tra và nghiên cứu, ngày 28/4/2011, Sở Xây dựng đã có văn bản số 554/SXD-QLQH báo cáo và đề nghị UBND Thành phố: Trong giai đoạn trước mắt khi chưa có kế hoạch di chuyển, không đồng ý việc mở rộng nghĩa trang Vườn Quyến.

Trong văn bản, Sở Xây dựng nêu rõ: “Quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, xác định nghĩa trang thành phố được di chuyển về nghĩa trang Phi Liệt huyện Thuỷ Nguyên;… Về quan điểm quy hoạch, các khu vực nghĩa trang nằm rải rác trong thành phố cần phải được quy tập và di chuyển về khu vực nghĩa trang của thành phố.

  Hiện nay trong phạm vi công viên hồ Phương Lưu vẫn tồn tại khu nghĩa trang Vườn Quyến là nghĩa trang địa phương đã được hình thành từ lâu, còn nhiều mồ mả được quy tập tại đây. Việc di chuyển toàn bộ theo quy hoạch cần phải có kế hoạch và lộ trình thời gian để thực hiện. Do vậy, trong giai đoạn trước mắt khu vực nghĩa trang này được giữ nguyên trạng, chỉnh trang và không mở rộng thêm.

Về góc độ quy hoạch và quản lý quy hoạch: Việc UBND quận Ngô Quyền đề nghị lập dự án đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Vườn Quyến, và khu nhà tang lễ tại khu vực này là không đủ quy mô diện tích theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN số 07:2010/BXD và không phù hợp về quy hoạch địa điểm.”

Tiếp đến, ngày 24/5/2011, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng ký văn bản số 636/KHĐT-CNDV báo cáo UBND Thành phố, tiếp tục nhấn mạnh: Đề nghị đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang Vườn Quyến và khu nhà tang lễ là không phù hợp quy hoạch và quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Đồng thời cho rằng, nhiều hạng mục được nêu trong dự án bị trồng lấn lên đất và công việc của các dự án khác đã được UBND Thành phố phê duyệt.

Vẫn ngang nhiên thực hiện

Từ báo cáo tham mưu của các ngành, ngày 10/6/2011, UBND Thành phố Hải Phòng đã ban hành văn bản số 3178/UBND-KTĐN đồng ý với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư và giao Sở Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn UBND quận Ngô Quyền và các đơn vị liên quan thực hiện theo quy định.

Chỉ đạo và chủ trương của Thành phố như vậy là đã rõ: Không đồng ý chủ trương đầu tư dự án nghĩa trang Vườn Quyến, còn việc xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước, đường đi tường bao và trồng cây xanh cách ly xung quanh nghĩa trang, cần phải được xem xét trên cơ sở những công việc đã được giao thực hiện theo Dự án xây dựng điện chiếu sáng, lan can ven hồ Phương Lưu và quy hoạch chi tiết khu Công viên hồ Phương Lưu (theo văn bản của Sở KH&ĐT).

Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo, ngày 24/6/2011, UBND quận Ngô Quyền đã nhanh chóng ban hành văn bản số 260/TB-UBND uỷ quyền cho UBND phường Đông Khê làm chủ đầu tư công trình xây dựng nghĩa trang Vườn Quyến.

Ngày 09/11/2011, UBND quận Ngô Quyền tiếp tục ban hành văn bản số 541/TB-UBND, giao cho UBND phường Đông Khê lựa chọn và ký kết hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực, để quản lý nghĩa trang Vườn Quyến theo quy hoạch chi tiết được duyệt và ý kiến chỉ đạo của UBND Thành phố tại công văn số 3178/UBND-KTĐN ngày 10/6/2011, của Sở Xây dựng tại công văn số 554/SXD-QLQH ngày 28/4/2011.

Sau đó, cũng ngay trong tháng 11/2011, UBND phường Đông Khê và Công ty Thuận Thiện Phát đã chính thức bắt tay ký hợp đồng đầu tư khai thác nghĩa trang Vườn Quyến. Từ đó, Công ty Thuận Thiện Phát được toàn quyền đầu tư mở rộng khai khác đất và các dịch vụ từ nghĩa trang.

Nhiều câu hỏi cần được làm rõ

Không rõ, quận Ngô Quyền và phường Đông Khê không hiểu hay cố tình không hiểu nội dung chỉ đạo của UBND Thành phố Hải Phòng và các sở ngành có liên quan. Việc cố tình triển khai dự án, phải chăng sẽ đem lại nguồn lợi rất lớn cho tổ chức hoặc các cá nhân nào đó?

Tại sao Công ty Thuận Thiện Phát một doanh nghiệp hoạt động chủ đạo trong lĩnh vực thuỷ sản lại là doanh nghiệp được chọn mà không khải là đơn vị khác có năng lực và kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng? Quyết định chọn Công ty Thuận Thiện Phát được dựa trên tiêu chí nào? Có đúng các quy định của pháp luật?

Hợp đồng theo hình thức BOT, là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu từ chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước.

Thời hạn của dự án Vườn Quyến là 16,4 năm, hết thời hạn khai thác trên cũng chính là lúc cần phải di dời nghĩa trang Vườn Quyến theo Quy hoạch điều chỉnh chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Do vậy, sau khi kết thúc thời hạn tận thu khai thác, Công ty Thuận Thiện Phát sẽ chuyển giao về cho Hải Phòng một công trình nghĩa trang kiên cố, hoành tráng với hàng nghìn ngôi mộ được xây dựng mới nhưng bắt buộc phải di dời để đảm bảo mục tiêu phát triển thành phố bằng cách phải chi một lượng rất lớn tiền từ ngân sách nhà nước (tiền của dân). Ai phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại nghiêm trọng này? Các khoản thu của Công ty Thuận Thiện Phát có cơ quan nào quản lý hay không và quản lý như thế nào?

Đây chắc hẳn là “chủ ý không tồi” của quận Ngô Quyền trong đầu tư các công trình văn hoá, nếu quận nào cũng “khuyến khích” kinh doanh nghĩa trang giữa lòng thành phố như quận Ngô Quyền thời gian qua, chắc chắn trung tâm của Hải Phòng chẳng mấy chốc sẽ trở thành nơi tụ hội phồn hoa của những nghĩa trang “lộng lẫy”, toạ lạc tại các vị trí đắc địa của một trong những thành phố lớn nhất nước ta.

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Dương Tú