Giai đoạn 2021 -2025, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút vốn FDI đăng ký khoảng 150 đến 200 tỷ USD
Tháng 8 năm ngoái, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, cạnh tranh công bằng và lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Chủ động mở cửa và hội nhập
Trong hơn 33 năm qua, khu vực FDI đã ngày càng phát triển, trở thành một trong những khu vực năng động nhất của nền kinh tế Việt Nam. Tính lũy kế cuối tháng 8/2020, cả nước có 32.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 381,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI đạt 223,1 tỷ USD, bằng 58,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.
FDI góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế khi hiện gần 60% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, dầu khí, công nghệ thông tin.
FDI cũng đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.
Các mục tiêu cụ thể đối với FDI đã được đặt ra cho giai đoạn 2021 -2025. Theo đó, vốn đăng ký khoảng 150 đến 200 tỷ USD (30 đến 40 tỷ USD/năm ); vốn thực hiện khoảng 100 đến 150 tỷ USD( 20-30 tỷ USD/năm ); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025. Tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20 đến 25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025.
Xây dựng một nền kinh tế tự cường là định hướng xuyên suốt, là nguyên tắc nhất quán trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Mở cửa, hội nhập vào kinh tế thế giới là lựa chọn chủ động của Việt Nam. Tất nhiên trong quá trình phát triển, nền kinh tế mới nổi của Việt Nam không tránh khỏi những thách thức lớn, như chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân túy ở một số quốc gia hiện nay.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 toàn cầu đã làm cho tăng trưởng chậm lại trong năm 2020. Đặc biệt, vốn là một nền kinh tế với đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất nhiên, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng vậy, song nếu việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu lại tập trung vào một hay một vài quốc gia, có thể sẽ là một bất lợi đối với Việt Nam khi tình hình thế giới có biến chuyển đột ngột.
Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần thực hiện đúng quan điểm đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác, hình thức đầu tư, đan xen lợi ích trong hợp tác nước ngoài và kết nối hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, để đảm bảo mục tiêu xây dựng được một nền kinh tế tự cường.
Chúng ta không phủ nhận thực tế là vẫn có những doanh nghiệp FDI được hỏi muốn rời bỏ Việt Nam, nhưng điều đó cũng bình thường, cũng như một đoàn tàu tăng tốc, khi dừng lại ở các ga, sẽ có người xuống và nhiều người lên…
Hãy nhìn một thực tế khác là 46% doanh nghiệp được hỏi, có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam ngay trong giai đoạn tới. Và trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm đạt hơn 4,87 tỷ USD, tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2019, ngay trong ảnh hưởng tiêu cực rất lớn của đại dịch COVID-19. 20% doanh nghiệp cam kết tiếp tục duy trì đầu tư tại Việt Nam, khi có điều kiện sẽ đầu tư mở rộng sản xuất.
Các doanh nghiệp FDI rời khỏi Việt Nam có nhiều lý do như đầu tư của họ chưa thật hiệu quả, khả năng tài chính bị suy giảm, nguồn cung ứng đầu vào, đầu ra thay đổi, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, và đặc biệt là môi trường đầu tư Việt Nam có thể chưa phù hợp với họ vào thời điểm này. Đây là điểm mà chúng ta cần nghiên cứu để cải thiện về cả vĩ mô và vi mô.
Sẵn sàng đón “đại bàng và chim sẻ”
Về phần mình, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm nhiều về năng lực của hệ thống doanh nghiệp nội địa. Chính phủ đã nhận ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, do phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên yếu về vốn và thiếu công nghệ cao. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm, dẫn đến tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng rất lớn, nên tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn rất thấp.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật, thiếu nguồn lực để đổi mới, lĩnh vực sản xuất khá giống nhau, cả về quy mô, trình độ, công nghệ và sản phẩm... chưa thể cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI, nên chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Để khắc phục tình trạng này, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, với các quy định rõ ràng về hoàn thiện cơ chế chính sách, về tài chính tín dụng,… và đã giao các nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai cụ thể để đạt mục tiêu tổng quát: Đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Một yêu cầu cấp bách là chúng ta phải nhanh chóng biến cam kết trong cải cách, hoàn thiện thể chế thành hành động cụ thể trên thực tế. Đây là vấn đề lớn có ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển kinh tế nói chung và FDI nói riêng, nên đã được Đảng và Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo.
Riêng về FDI, như đã nêu trên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Quốc hội cũng đã ban hành Luật Đầu tư năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 và với luật này, ngay trong ngắn hạn, môi trường đầu tư Việt Nam sẽ có được tính cạnh tranh cao hơn.
Về phía các doanh nghiệp trong nước, cũng cần sự tích cực hưởng ứng với việc thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia như Nghị quyết 50 đã đặt ra, trong điều kiện tình hình kinh tế,thương mại quốc tế rất khó dự báo, như sự ra đời của “Nhóm hỗ trợ xúc tiến nhanh cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam” (Nhóm VBI Fast Track).
Các hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp sẽ nối dài thêm các hoạt động về thu hút FDI, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam so các nước trong khu vực, từ đó đón thêm cả những “đại bàng và chim sẻ” FDI đang di trú theo chuỗi cung ứng toàn cầu đến Việt Nam trong bối cảnh “mùa đông” ảm đạm của kinh tế toàn cầu, nhất là khi chúng ta đã cho thấy Việt Nam là một nơi an toàn với kết quả chống dịch COVID-19 ấn tượng.
Phạm Phú Ngọc Trai
(Sáng lập viên VBI Fast Track)