Trong năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao gần 4.900 tỷ đồng. Tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách Nhà nước tỉnh phân bổ chi tiết trong năm gần 4.500 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Bình hiện đã phân bổ 150.000 triệu đồng cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội, trong đó năm 2024 phân bổ 110.784 triệu đồng.

Quảng Bình ra công văn đôn đốc, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo trong việc chỉ đạo và điều hành giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh: Minh họa)
Quảng Bình ra công văn đôn đốc, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo trong việc chỉ đạo và điều hành giải ngân vốn đầu tư công. (Ảnh: Minh họa)

Theo báo cáo từ Kho bạc Nhà nước tỉnh, tính đến ngày 30/6/2024, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trong năm 2024 là 26.947 triệu đồng/110.784 triệu đồng, đạt 24,3%, thấp hơn mức trung bình cả nước. Trong đó, 50 dự án với tổng vốn hơn 268 tỷ đồng chưa giải ngân được đồng nào.

Một số dự án chậm giải ngân như: Dự án cấp nước sinh hoạt cụm xã phía Tây huyện Lệ Thủy do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng đường nối đi các xã phía Bắc, huyện Quảng Trạch do UBND huyện Quảng Trạch làm chủ đầu tư; Dự án bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường cho di tích khảo cổ Bàu Tró, thành phố Đồng Hới do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư; Dự án đường giao liên trong khu căn cứ hậu phương của tỉnh do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư…

Theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ban hành ngày 29/11/2023 của Quốc hội, nguồn vốn cho các dự án thuộc Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội chỉ được giải ngân trong năm 2024.

Để đảm bảo tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đúng hạn, ngày 22/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1360/UBND-KT, yêu cầu các chủ đầu tư nâng cao trách nhiệm lãnh đạo trong việc chỉ đạo và điều hành giải ngân vốn đầu tư công.

Các chủ đầu tư cần lập kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, nghiệm thu và giải ngân cho từng hạng mục, và tổ chức triển khai thực hiện một cách nghiêm túc và hiệu quả.

Ngoài ra, các chủ đầu tư phải phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án, đồng thời đôn đốc và giám sát chặt chẽ các đơn vị tư vấn, quản lý dự án và thi công.

Việc này nhằm đảm bảo có biện pháp xử lý kịp thời, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao, và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của dự án.

Nếu đến ngày 31/12/2024, các dự án không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao và bị hủy dự toán dẫn đến thiếu vốn, chủ đầu tư sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời tự thu xếp nguồn vốn để hoàn thành công trình đúng mục tiêu đề ra.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các đơn vị quản lý dự án nâng cao chất lượng công tác quản lý, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu và giám sát dự án để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình thi công công trình, đảm bảo tiến độ và lường trước các tình huống phát sinh để tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân vốn.

Các đơn vị nhà thầu cần phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, đơn vị quản lý và giám sát dự án, đảm bảo đủ máy móc, thiết bị và nhân sự để đẩy nhanh tiến độ thi công; đồng thời, thực hiện công tác nghiệm thu và thanh toán theo đúng quy định, ngay khi có khối lượng công việc hoàn thành để nâng cao tỷ lệ giải ngân, tránh dồn thanh toán về cuối năm.

Lê Quyết