Ngày 17/02, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Nam, vừa ban hành Kế hoạch 973 triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024 với mục tiêu có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.
Kế hoạch đặt mục tiêu 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã được củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức OCOP và hoàn thiện bộ máy tham mưu giúp việc chương trình OCOP các cấp. 100% cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã và các chủ thể mới tham gia chương trình OCOP được tập huấn nội dung cơ bản của chương trình, nhất là nội dung cụ thể các bước trong chu trình OCOP.
Tập trung hỗ trợ phát triển/nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận. Phấn đấu trong năm 2024 có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; trong đó có từ 15 đến 20 sản phẩm 4 sao.
Hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX) tham gia OCOP. 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo đúng quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Xây dựng/nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đảm bảo đến cuối năm 2024, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất 1 điểm bán hàng OCOP (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong tỉnh, kể cả sản phẩm OCOP ngoài tỉnh).
Phấn đấu các sản phẩm sau 01 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia 3 OCOP.
Tổ chức ít nhất 02 hội chợ chuyên đề về sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, ít nhất 1 đợt xúc tiến thương mại ra nước ngoài. Tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện chương trình OCOP năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Về tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm: Cấp huyện sẽ đánh giá và công nhận sản phẩm 3 sao OCOP (trước tháng 08/2024), lập hồ sơ trình cấp tỉnh đánh giá công nhận sản phẩm 4 sao OCOP theo quy định. Cấp tỉnh đánh giá công nhận sản phẩm 4 sao OCOP (trước ngày 30/10/2024), lập hồ sơ trình Trung ương đánh giá công nhận sản phẩm 5 sao OCOP.
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Phạm Viết Tích cho biết, tỉnh luôn quan tâm đến Chương trình OCOP. Đầu năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và ngay sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định cụ thể hóa về chủ trương này. Theo đó, hằng năm ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 10 tỷ đồng để hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao, sản xuất theo chuỗi sản phẩm; đồng thời hỗ trợ công tác giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm OCOP ra thị trường trong nước và thế giới.
Qua hơn 5 năm phát động, đến nay, tỉnh Quảng Nam đã có 284 chủ thể tham gia Chương trình OCOP và đã có 356 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, có 58 sản phẩm 4 sao, 298 sản phẩm 3 sao...
Qua đó, đưa doanh số bán hàng OCOP đến năm 2025 đạt hơn 300 tỷ đồng, gấp hơn bốn lần so với năm 2020; lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng. Cùng với đó, đến năm 2025, Quảng Nam sẽ xây dựng được 45 điểm bán hàng OCOP, 10 Trung tâm OCOP cấp huyện, hai Trung tâm OCOP cấp tỉnh và một Trung tâm OCOP cấp vùng.
Đình Lương