THCL - Thời gian gần đây, những vụ cháy nổ tại những quán karaoke trên cả nước ngày càng nhiều, đặc biệt qua vụ cháy quán karaoke tại số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người thiệt mạng!
Điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiểm họa khôn lường, luôn có thể gây cháy và hậu quả ghê gớm từ những biển quảng cáo đèn led thiếu an toàn, cũng như cách thiết kế “vô trách nhiệm” các cơ sở kinh doanh karaoke!
Càng lớn… càng dễ cháy
Trên địa bàn TP. Hạ Long hiện có 44 cơ sở kinh doanh quán karaoke, trong đó, 95% cơ sở hoạt động trước năm 2015.
Theo quan sát của PV, tại rất nhiều cơ sở kinh doanh quán karaoke, vũ trường trên địa bàn TP. Hạ Long như Karaoke Kingdom (Tổ 1 Khu 4 Tô Hiến Thành, Hạ Long); Karaoke & Cafe Hải Âu (đường Bao Biển, Hạ Long,) Karaoke Ktv (Trần Thái Tông, Hạ Long, dọc các quán bar, karaoke khu vực Bãi Cháy hay ngược sang Cẩm Phả…),tất cả đều có bảng hiệu phía trước che kín bưng, bên trong là hệ thống điện, đèn dày đặc.
Quan sát kỹ hơn, dễ dàng nhận thấy, phần lớn các biển quảng cáo từ trên cao xuống tận dưới bịt kín mít mặt trước quán, chỉ hở lối ra vào.
Không chỉ vậy, hàng loạt biển hiệu của các cửa hàng kinh doanh bao trùm nguyên cả mặt tiền những căn nhà cao từ 3-5 tầng. Đèn điện luôn nhấp nháy suốt ngày đêm mặc cho mưa gió. Chỉ cần nước rò rỉ vào các bóng đèn bên trong thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?
Việc làm đó của các chủ quán Karake, bar, nhà hàng đã vi phạm pháp luật, làm kiến trúc ngôi nhà sai thiết kế, không đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm khi có sự cố xảy ra.
Quán karaoke Chiến Công (Giếng Đồn) hút khách bởi tập biển quảng cáo cao lớn, nhiều màu sắc
Thông tư số 19/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định, tại mặt tiền công trình, nhà ở, mỗi tầng chỉ được đặt một bảng quảng cáo ngang, chiều cao tối đa 2 m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền.
Thế nhưng, hiện nay rất nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn treo biển quảng cáo không thực hiện quy định trên. Theo họ, “biển quảng cáo càng lớn, càng hoành tráng, càng bắt mắt thì mới thu hút được khách hàng” (?!).
Các biển quảng cáo này rất dễ gây cháy nổ bởi chủ yếu được làm bằng nhựa hoặc mica, với diện tích lớn, bên trong lắp đặt số lượng đèn led rất nhiều, lượng tỏa nhiệt lớn. Bên cạnh đó, biển quảng cáo lắp đặt ngoài trời nên xuống cấp nhanh, phần bảo vệ đèn dễ bị chập điện, gây cháy. Đó là chưa tính tới việc một số cơ sở kinh doanh còn sử dụng các thiết bị điện rẻ tiền, thiếu an toàn trong các tấm biển quảng cáo.
Trao đổi với PV, một chủ cửa hàng làm biển quảng cáo chia sẻ: “Khi chủ cửa hàng tới đặt làm, chúng tôi đã tư vấn, lường trước những hiểm họa tiềm ẩn sau những tấm biển này, thế nhưng họ nói cứ thật bắt mắt là được, chúng tôi đành chiều theo ý khách hàng thôi”.
Cháy…. “chạy lên mây”
Quán karaoke Kingdom mặt tiền bị bưng bịt bởi biển quảng cáo
Bên ngoài là vậy, thế nhưng, bên trong những quán hát này còn nguy hiểm hơn, bởi, thông thường những quán karaoke cần được thiết kế khép kín và cách âm với bên ngoài.
Do vậy, đa số các quán này phải bịt kín xung quanh bằng những vật liệu cản âm như mica, mút xốp, hiflex. Chất liệu bàn ghế cũng là những loại dễ bén lửa, cháy mạnh, khó dập như da, gỗ ép công nghiệp,… Đây là những vật liệu dễ cháy nếu gặp tia lửa phát ra do chập điện hoặc tác động của điều kiện thời tiết.
Ngoài bịt, trong cũng bịt, những quán karaoke tưởng chừng như rất an toàn và kín đáo này lại là những mối nguy hại, luôn rình rập, đe dọa tính mạng của cả chủ cơ sở lẫn khách hàng bất cứ lúc nào.
Đặc biệt, khi xảy ra sự cố cháy đối với biển quảng cáo, việc tiếp cận để chữa cháy là rất khó khăn do phần lớn nhà ở tại đô thị đều theo kiểu hình ống, không có lối thoát hiểm.
Trong khi đó, các giàn giáo chống đỡ và biển quảng cáo vây kín bốn bề, khi cháy xảy ra không những không có lối thoát từ ban công, cầu thang phụ, mà còn nguy cơ trở thành “lò thiêu” các tầng lầu, độ nguy hiểm càng tăng cao.
Khi vụ cháy tại số 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người thiệt mạng là hồi chuông cảnh tỉnh với các cơ sở kinh doanh quán karaoke, vũ trường cũng như các cấp chính quyền địa phương các tỉnh, thành trên cả nước về những mối nguy hại sau những tấm biển quảng cáo “bắt mắt”, thì không hiểu lý do gì, chính quyền TP. Hạ Long lại để tình trạng này tiếp diễn trên địa bàn thành phố du lịch văn minh – lịch sự khi thời khắc đón năm mới đang cận kề?
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý TP. Hạ Long ở đâu khi vẫn để tình trạng biển hiệu quảng cáo Led tại các nhà hàng, quán bar "hồn nhiên" tồn tại chắn cửa thoát hiểm của khách hàng?
và liệu rằng, Hạ Long có để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" khi "mọi sự đã rồi" như câu chuyện đáng buồn vừa qua tại Hà Nội?
Hoàng Giáp