THCL - Đây là chương trình của tỉnh Quảng Ninh nhằm định hướng thống nhất phát triển “Mỗi xã một sản phẩm” hợp lý, hình thành trục phát triển đối với các sản phẩm mang lợi thế của các tỉnh, thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng nông thông mới…

Quảng Ninh:

Toàn cảnh hội nghị

Sáng nay, tại Quảng Ninh, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Phát triển Mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp”.

Tham dự Hội nghị, có các các vị, Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, đại biểu 63 tỉnh, thành phố và một số tổ chức quốc tế.

Quảng Ninh:

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, sau 3 năm tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả to lớn, mở ra triển vọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hội nghị này là cơ hội để 63 tỉnh, thành phố trong cả nước học tập, triển khai, nhân rộng mô hình này với sự quyết tâm cao từ cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đều phải có chung chính sách tập trung ưu tiên cho người dân.

Liên quan đến kinh nghiệm trong thực hiện Đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy đã chia sẻ về những lợi thế của Quảng Ninh trong lĩnh vực nông nghiệp, cách tiếp cận chương trình OCOP, cũng như cách thức triển khai.

Quảng Ninh:

Các đại biểu tham quan HTX Nông dược xanh Tinh Hoa (Hoành Bồ)

Sau 3 năm thực hiện chương trình OCOP, Quảng Ninh đã thu hút 180 doanh nghiệp tham gia, thực hiện 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP. Đến nay, đã có 210 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP, trong đó đã đánh giá và phân hạng 121 sản phẩm, kết quả có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao; cấp Giấy chứng nhận cho 39 sản phẩm, đang tập trung hoàn thiện các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, y tế đối với 60 sản phẩm OCOP còn lại. Trong 3 năm, doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất đạt hơn 672 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực của ngành nông nghiệp; sự phối hợp của các bộ, ngành trong chỉ đạo thực hiện chủ trương của Chính phủ và sự vào cuộc của các địa phương để thực hiện chương trình phát triển kinh tế ngành nghề nông thôn, trong đó mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” - do Bộ NN&PTNT khởi xướng.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý một số hạn chế trong quá trình triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cần khắc phục, rút kinh nghiệm, như: Điều kiện để phát triển ổn định chưa đảm bảo; thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề còn yếu; các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với du lịch còn ít, chỉ tập trung ở một số làng nghề truyền thống; việc phát triển làng nghề còn tản mạn, thiếu sự quản lý tập trung, chưa thu hút được nguồn lực xã hội để phát triển làng nghề…

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về phương pháp, cách thức triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" để tiếp tục phát triển chương trình một cách hiệu quả hơn, khắc phục những điểm còn hạn chế trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, khẩn trương tham mưu cho Chính phủ xây dựng Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

Trước đó, chiều ngày 1/3, trong khuôn khổ Hội nghị “Phát triển mỗi xã, phường một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp” - do Bộ NN&PTNT phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, đã tổ chức cho trên 250 đại biểu dự hội nghị đã đi tham quan thực tế tại HTX Nông dược xanh Tinh Hoa tại xã Quảng La (Hoành Bồ)...

Trong chuyến tham quan, các đại biểu đã được tìm hiểu về Dự án Vườn cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái của HTX Nông dược xanh Tinh Hoa với diện tích 23,5 ha. HTX đã chia làm nhiều khu riêng biệt: Khu trồng cây ăn quả kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán; cánh đồng hoa đa sắc; xưởng sơ chế biến dược liệu; khu nhà lưới phục vụ việc nhân giống cây; khu mê cung dược liệu; khu trang trại giáo dục theo mô hình trang trại hữu cơ...

Tại đây, các đại biểu được chiêm ngưỡng hơn 30 loài hoa rực rỡ sắc màu; tìm hiểu các loài dược liệu quý như kim tiền thảo, diệp hạ châu, cà gai leo, bồ công anh, tam thất, địa liền; tham quan, thu hoạch hoa quả tại vườn cây ăn quả tập trung...

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được tham quan nhà xưởng, máy móc, thiết bị, các công đoạn, nguyên liệu chế biến các loại sản phẩm tinh dầu, bún dược liệu, tinh bột nghệ…

Ngoài ra, các địa biểu còn được thưởng thức các sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện Hoành Bồ: Ổi Đài Loan, rượu bâu Bằng Cả, bánh tam giác mạch…

Đây cũng là HTX được đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay với nhiều sản phẩm dược liệu được mang thương hiệu OCOP của tỉnh Quảng Ninh; đồng thời đã góp phần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp của địa phương, gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Trang Trần