THCL Sáng nay, tại TP. Hạ Long, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị đối thoại với các tổ chức, đơn vị, cơ sở và hộ sản xuất tham gia Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP)".

Quảng Ninh: Gỡ khó cho các cơ sở và hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP - Hình 1

Ông Nguyễn Đức Long, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị, có các ông Nguyễn Đức Long, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Xuân Ký, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh; Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và gần 200 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Nguyễn Đức Long, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định những kết quả nổi bật của Chương trình OCOP sau 3 năm triển khai. Hiện có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất tham gia chương trình; có 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP; doanh số bán hàng đạt trên 600 tỷ đồng. “Trong những năm qua, Chương trình OCOP là một nội dung quan trọng, góp phần tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh, được Trung ương đánh giá cao”, ông Long nhấn mạnh.

Giai đoạn 2017 - 2020, Quảng Ninh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, phát huy thế mạnh của ngành nông nghiệp và quản lý, phát triển nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu uy tín trong cả nước và quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tổ chức sản xuất hàng hóa nông nghiệp với quy mô lớn hơn và duy trì chất lượng thương hiệu OCOP Quảng Ninh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tỉnh và toàn quốc.

Quảng Ninh: Gỡ khó cho các cơ sở và hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP - Hình 2

Các tổ chức, DN, hộ sản xuất nêu khó khăn, vướng mắc trong sản xuất tham gia Chương trình OCOP

Cũng tại hội nghị, nhiều tổ chức, đơn vị, cơ sở và hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP đã có ý kiến phát biểu những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ liên quan đến các vấn đề về chính sách đất đai, dồn điền đổi thửa; đề nghị được giúp đỡ về kỹ thuật sơ chế, bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ điểm thu mua, kho lạnh; đề nghị tập huấn áp dụng khoa học và công nghệ, cũng như có chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng và hỗ trợ lãi suất.

Cùng với đó là những khó khăn vấn đề về giống; quy hoạch cây ăn quả; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hoạt động mô hình hợp tác xã; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm... cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Các câu hỏi đã được đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trực tiếp giải đáp thỏa đáng.

Tại hội nghị, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất cần xây dựng các kế hoạch sản xuất cụ thể trên cơ sở thực hiện liên kết theo chuỗi, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Sở KH&CN cần tích cực hỗ trợ người dân trong vấn đề kỹ thuật từ sản xuất, chế biến, thị trường nhằm đưa ra thị trường các sản phẩm hoàn thiện về chất lượng, mẫu mã, bao bì.

Thời gian tới, tỉnh sẽ siết chặt quản lý các sản phẩm OCOP. Đối với sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, tỉnh sẽ đình chỉ sản xuất.  Năm 2017, tỉnh sẽ lựa chọn các sản phẩm chủ lực để có các chính sách riêng trong phát triển, từng bước tiến tới xuất khẩu. Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2 lần/năm, trong đó, giảm dần sự hỗ trợ của Nhà nước, nâng cao tính chủ động của các doanh nghiệp.

Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu, Ban Điều hành OCOP tổng hợp tất cả các ý kiến tham gia tại hội nghị để giao cho các sở, ngành, địa phương trả lời cụ thể bằng văn bản trong tháng 12/2016…

Trần Trang