Những ngày đầu xuân, trái ngược với không khí phấn khởi của nông dân nhiều xã trên địa bàn huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) khi xuống đồng cấy, thì tại cánh đồng thôn Tân Thượng, xã Quảng Tân, nhiều hộ dân xuống đồng với tâm trạng sầu não, lo toan. Nghiêm trọng hơn có hộ không ngó ngàng tới ruộng đồng, cứ mặc cho cỏ mọc rậm rì, um tùm.

Khổ cảnh ấy đã diễn ra mấy năm, không phải vì bà con nông dân chán cảnh cấy cày, mà nguồn cơn ấy theo phản ánh, từ công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ môi trường xanh Hoàng Hải Hà gâyra.

Hơn 3 năm qua, khi công ty này đi vào hoạt động việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp chế biến... ở thị trấn Quảng Xương, Khu Công nghiệp Lễ Môn và các xã lân cận được thuận lợi, góp phần giảm thiểu rác thải, cải tạo và bảo vệ môi trường sống là điều phải ghi nhận. Thế nhưng, cũng ngần ấy thời gian, cũng không ít khó khăn mà công ty dồn đẩy tới nhiều hộ dân tại thôn Tân Thượng.

Đó là những hộ dân có ruộng canh tác ngay phía sau nhà máy, phải hứng chịu những dòng nước đen ngòm, hôi thối được “tuồn” ra trực tiếp xuống ruộng. Khiến người nông dân lam lũ chỉ biết xem đồng ruộng là kế mưu sinh, cũng phải ngậm ngùi bỏ “bờ xôi, ruộng mật” hoang phí, hoặc gắng gượng cấy, cày rồi cứ thế thấp thỏm lo toan cho tới kỳ thu hoạch. Bởi chỉ vài trận mưa xuống, nước từ công ty ào ra thì “xôi hỏng, bỏng không”, công lao chăm bón vất vả cũng như “đem muối, bỏ bể” mà thôi.

Ngày 05/03, tôi có mặt tại khu vực trên, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ môi trường xanh Hoàng Hải Hà nằm chênh vênh giữa cánh đồng rộng lớn. Nhìn từ xa, hiện rõ hình ảnh “núi” rác vải, trộn lẫn đủ các loại màu mè, được chấp cao chót vót, dựa vào bức tường rào che chắn. Phía sau bức tường là những thửa ruộng bị bỏ hoang, trông như cái đầm lầy nhầy nhụa nước đen ngòm, chỉ có cỏ và bèo tồn tại.

Quảng Tân (Thanh Hóa): Bao giờ ruộng đồng hết ô nhiễm để dân bớt khổ, bớt than? - Hình 1

Theo phản ánh sau mỗi trận mưa lớn, những dòng nước đen ngòm từ phía công ty được "tuồn" xuống ruộng của nhiều hộ dân thôn Tân Thượng

Nhiều chỗ nước loang lỗ sủi bọt, những cơn gió cuối chiều thốc mạnh mùi hối thối bốc lên ngùn ngụt, khiến tôi suýt nôn mửa. Cách đó không xa, mấy cô nông dân đang cúi gòm người cấy lúa cũng phải bật dậy, lấy vạt áo che ngang mũi, chờ gió dịu xuống mới khom người tiếp tục cấy.

Bức tường cao tới chừng 3 – 4m trông có vẻ kiên cố. Nhưng phía dưới lại bầy nhầy, bập bễnh. Cúi người, tôi lấy tay nhổ một cụm cỏ trên bề mặt, rồi tá hỏa khi phát hiện toàn lớp rác vải bên dưới, lớp cỏ trên bề mặt như chỉ để ngụy trang. Chân tường được gia cố toàn bằng rác vải.

Quảng Tân (Thanh Hóa): Bao giờ ruộng đồng hết ô nhiễm để dân bớt khổ, bớt than? - Hình 2

Phía dưới chân tường bao là rác vải chấp lại

Thấy tôi, bác L.T.T (xin được giấu tên) chừng ngoài 50 tuổi, một hộ dân có ruộng tại khu vực trên, lại gần. Lấy vạt áo lau đi những giọt mồ hôi đang đọng trên khuôn mặt khắc khổ, rồi bác than thở: “Cứ mỗi lần mưa xuống là nước đen ngòm ngấm qua chân tường, chảy xuống mấy thửa ruộng của chúng tôi, nước ngứa lắm! lúa cháy vàng hết cả. Mấy hộ có ruộng sát tường đành bỏ hoang không làm được. Còn như nhà tôi vì tiếc ruộng mà cấy, chứ không ăn thua”.

Quảng Tân (Thanh Hóa): Bao giờ ruộng đồng hết ô nhiễm để dân bớt khổ, bớt than? - Hình 3

Phía sau công ty là những thửa ruộng bỏ hoang vì ô nhiễm 

Nghe được câu chuyện giữa tôi và bác T, hai người phụ nữ (xin được giấu tên) lúc giờ đang cúi người cấy lúa, cũng không giấu nỗi bức xúc mà lên tiếng: “Không cấy lúa thì cỏ mọc kín hỏng hết ruộng, mà cấy lại nơm nớp lo lắng. Bởi chỉ cần nước trong công ty chảy ra thì lúa vàng hết, cây thì chết, cây thì khô héo, hạt lép. Ở đây, có năm hộ đều chung cảnh ngộ. Nông dân lam lũ chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng để mưu sinh, lâm vào tình cảnh này có khốn khổ không chứ? kêu than mãi với chính quyền địa phương mà vẫn không giải quyết dứt điểm được”.

Quảng Tân (Thanh Hóa): Bao giờ ruộng đồng hết ô nhiễm để dân bớt khổ, bớt than? - Hình 4

Quảng Tân (Thanh Hóa): Bao giờ ruộng đồng hết ô nhiễm để dân bớt khổ, bớt than? - Hình 5Rác thải tràn lan phía sau công ty

Tôi đến trụ sở UBND xã Quảng Tân, đối nghịch với hình ảnh ruộng đồng bỏ hoang vì ô nhiễm...Trong căn phòng rộng rãi, khang trang, mát rượi, ông Lê Bá Sáu, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân đang ngồi bên vài nhân viên với ấm chè nóng trên bàn.

Khi tôi đề đạt tới những phản ánh của bà con thôn Tân Thượng và cả những gì bản thân tôi chứng kiến, ghi nhận bằng hình ảnh, ông Sáu thản nhiên trả lời: “Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử chi, các hộ dân thôn Tân Thượng đã có ý kiến, xã đã báo cáo lên huyện xin phương án giải quyết. Sau đó, huyện cũng cử đoàn kiểm tra xuống yêu cầu công ty phải khắc phục. Nhưng đến nay việc giải quyết vẫn chưa thể triệt để được”.

Tiếp đến, tôi tới làm việc với ông Mã Văn Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quảng Xương, thì được ông này cho biết: “Để giải quyết tình trạng trên, công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ môi trường xanh Hoàng Hải Hà đã có văn bản đề nghị lên tỉnh, xin mở rộng quy mô nhà máy ra cả khu vực những thửa ruộng của các hộ bị ảnh hưởng, nhưng đang chờ tỉnh phê duyệt (?)”.

Cả ông Sáu và Thanh đều khẳng định thực trạng trên tồn tại, nhưng trên cương vị là đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Trước những khổ cảnh người dân đang gồng mình trải qua, lại không tìm ra biện pháp giải quyết triệt để, chỉ trả lời như “bắt cóc bỏ đĩa”. Trong khi, tình trạng trên đã kéo dài nhiều năm....

Vậy đến bao giờ tình trạng đồng ruộng ở Quảng Tân mới hết ô nhiễm, để dân bớt khổ, bớt than?

Thuấn Nguyễn