THCL Những bất cập trong quy định mới về dán nhãn năng lượng và hiệu suất năng lượng tối thiểu khiến DN bức xúc bấy lâu nay - đang được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo rà soát nội dung để tiến hành sửa đổi, loại bỏ các quy định không phù hợp.
“Rào cản” hành chính
Chương trình Dán nhãn năng lượng dưới hình thức tự nguyện, được Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) thực hiện từ năm 2006 - 2011. Từ đầu năm 2012, chương trình trở thành bắt buộc theo Thông tư 07/2012/TT-BCT ngày 04/04/2012 của Bộ Công thương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, quy trình cấp chứng nhận và dán nhãn đang rườm rà, khó hiểu và đặc biệt tốn kém hàng tỷ đồng, gây bức xúc cho DN.
Các DN than phiền rằng, quy định đang gây mất thời gian vì hạ tầng thử nghiệm của Việt Nam còn hạn chế khiến thời gian kéo dài và tốn kém rất nhiều chi phí.
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) từng lo ngại, trước quy định này, nhiều DN đang gặp khó khăn khi phải mất thêm một khoản chi phí không nhỏ cho việc kiểm tra lấy giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm cho từng lô hàng.
Có DN chỉ nhập một loại sản phẩm thì lấy đâu ra mẫu để cung cấp kiểm tra thử nghiệm? Trường hợp chờ đợi kết quả thử nghiệm kéo dài, DN phải “mòn mỏi” chờ đợi lấy chứng nhận để được đăng ký dán nhãn năng lượng, từ đó mới được thông quan. Có trường hợp, sản phẩm được NK về tại cảng khu vực phía Nam, nhưng lại được chỉ định tại một trung tâm ở Hà Nội khiến DN “khóc dở”…
AmCham cho hay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới yêu cầu các công ty NK năng lượng để có được các sản phẩm từ mỗi lô hàng, phải được kiểm tra tiêu chuẩn điện năng tối thiểu do một đơn vị dán nhãn được chỉ định bởi Bộ Công thương thực hiện – mặc dù sản phẩm đó giống với các sản phẩm NK trước đó. Thủ tục hành chính này, theo AmCham là rào cản vô lý, nếu không thay đổi sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và uy tín của Việt Nam.
Hiện nay, DN NK 7 loại mặt hàng được cấp chứng nhận và dán tem nhiều nhất là điều hòa không khí, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện và đèn chiếu sang đang gặp khó đối với quy định này. Các DN cho rằng, hầu hết các hãng sản xuất thiết bị nổi tiếng trên toàn thế giới đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng. Vì thế, quy định buộc các sản phẩm này phải kiểm tra lại là không cần thiết.
“Cởi trói cho DN”
Sau khi làm việc với Tổng cục Năng lượng và các thành viên trong Tổ soạn thảo sửa đổi Thông tư 07, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Thông tư 07 rườm rà, khó hiểu, gây bức xúc cho DN còn hơn Thông tư 37 trước đó.
“Đã đến lúc, chúng ta phải cởi trói cho DN. Nếu không gỡ bỏ những thủ tục phiền hà, cải cách thể chế thì có nghĩa chúng ta đang cản trở sự phát triển của xã hội”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao cho các đơn vị chức năng cần phải rà soát ngay các mặt hàng nằm trong diện điều chỉnh, thủ tục, quy định hay khâu triển khai nào còn bị phàn nàn nhiều, gây khó khăn, tốn kém cho DN… phải đề xuất sửa ngay. Cần thiết thì bãi bỏ. Chính phủ kiến tạo rồi, những gì gọi là nhiêu khê, cản trở xã hội sẽ không có đất sống.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Năng lượng cần sớm nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn để thực hiện quy định: “Cần có cơ chế để DN được làm thủ tục khai báo thông tin online. Làm sao để DN chỉ phải mất 1 lần tới làm việc với cơ quan quản lý để nộp hồ sơ, chứ không phải đi lại tới vài ba lần. Công nghệ hoàn toàn có thể giúp chúng ta làm việc này”.
Cụ thể, trước mắt sẽ cho phép DN sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng tối thiểu cho các lô hàng NK cùng số serial/model, cùng nhà sản xuất, cùng xuất xứ, tạo điều kiện cho quy trình thông quan được nhanh chóng.
Đồng thời, giảm bớt các thủ tục cho DN theo hướng cho phép sử dụng Phiếu kết quả kiểm nghiệm để thông quan, không sử dụng Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng; rà soát, điều chỉnh lại các quy định để bảo đảm nguyên tắc tăng cường sự công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước, tránh tình trạng kiểm tra nhiều lần đối với cùng một loại hàng hóa.
Theo ước tính, việc sửa đổi, gỡ bỏ quy định về dán nhãn năng lượng - sẽ tiết kiệm cho DN hàng tỷ đồng.
Đức Thế