Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. 

Các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi. Ảnh quochoi.vn.
Các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về Luật Nhà ở sửa đổi. Ảnh quochoi.vn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc đề nghị giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại như: Luật Nhà ở hiện hành để phòng, chống sơ hở, thất thu ngân sách do chênh lệch địa tô khi cho phép các loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại. Các loại đất này cần được thu hồi để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước; đồng thời, bảo đảm sự ổn định của các quan hệ xã hội do quy định về các loại đất được đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại mới được Quốc hội sửa đổi, bổ sung năm 2022 theo Luật số 03/2022/QH15.

Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 5 về việc bổ sung hai loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW quy định: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”. Việc cho phép một số loại đất khác được làm dự án nhà ở thương mại trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất và đáp ứng các điều kiện về vốn, năng lực, kinh nghiệm sẽ thúc đẩy tiến độ giải phóng nguồn lực từ đất đai, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. 

Đối với quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp tại khoản 4, Điều 80, do vấn đề này còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án. Phương án thứ nhất, tiếp thu ý kiến của Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo hướng: quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê để vừa bổ sung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, thu hút người lao động tham gia tổ chức Công đoàn, vừa giới hạn phạm vi thực hiện (không bao gồm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp) để nâng cao tính khả thi. 

đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu tại Hội trường. Ảnh quochoi.vn.

Phương án thứ hai, chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở sửa đổi vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua  còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật; đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật. Về vấn đề này, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án 1.

Ý kiến của các Đại biểu Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cà Mau Góp ý về quy định liên quan đến chung cư mini như sau: Chung cư mini là loại hình nhà ở phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, tuy nhiên hệ lụy của loại hình nhà ở này cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng; cần có các quy định đáp ứng an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo công tác quy hoạch, đảm bảo an toàn cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu thực tế, chung cư mini là loại hình nhà ở rất phổ biến cho các hộ gia đình trẻ, sinh viên, người đi làm tại các thành phố lớn do diện tích vừa phải, giá bán phù hợp với túi tiền, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân.

Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã đề xuất loại hình chung cư mini dưới tên nhà ở nhiều tầng, điều này có nghĩa một hộ gia đình cá nhân có thửa đất vài trăm mét vuông có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp; không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản….

Hơn nữa, điều này cũng đặt ra vấn đề về báo cáo nghiên cứu khả thi thiết kế, cơ sở thẩm duyệt, phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy… Nếu đưa lại hình này vào dự thảo luật sẽ dẫn đến chung cư mini sẽ phát triển rầm rộ, không chỉ vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy mà còn liên quan đến giải quyết hạ tầng kỹ thuật xã hội như trường học y tế hành chính dịch vụ cho các hộ gia đình chung cư mini sẽ đè nặng tại các đô thị lớn.

Phát biểu tranh luận về vấn đề Tổng Liên đoàn lao động tham gia phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng đây là vấn đề mới, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề cần làm rõ, Chính phủ chưa đánh giá kỹ lưỡng việc thực hiện các quy định sẵn có, do vậy, cần có đánh giá tổng thể kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, qua đó đưa vào quy định một cách hợp lý. 

Đại biểu Vũ Huy Khánh
Đại biểu Vũ Huy Khánh phát biểu tại Hội trường. Ảnh quochoi.vn.

Đại biểu cũng cho rằng, việc giao cơ quan Nhà nước, hay một tổ chức chính trị, xã hội làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt giữa chức năng của cơ quan nhà nước, chức năng của tổ chức chính trị xã hội và chức năng sản xuất, kinh doanh. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ, chưa đưa nội dung này vào trong luật, mà cần thực hiện theo các quyết định hiện hành, tổng hợp thực tiễn để luật hóa những nội dung đã chín, đã rõ.

Góp ý về chính sách nhà ở công vụ, bổ sung nội dung giải thích nhà ở cho lực lượng vũ trang, đại biểu Vũ Huy Khánh, Đoàn Bình Dương đề nghị chỉnh lý quy định theo hướng “Nhà ở cho lực lượng vũ trang là nhà ở công vụ và nhà ở xã hội cho các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang mua thuê, mua thuê theo quy định của Luật này”.

Đối với nguyên tắc chung về chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội điểm a khoản 1 Điều 79, đại biểu Vũ Huy Khánh nêu rõ dự thảo Luật quy định Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở. Đại biểu cho rằng, mục tiêu của chính sách là rất nhân văn, tiến bộ, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta và đã được ghi nhận trong nhiều bản Hiến pháp quy định công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Trong luật này, chính sách đó cần phải được cụ thể hóa bằng các quy định về cơ chế phát triển nhà ở, điều kiện trình tự, thủ tục để công dân có được nhà ở hợp pháp trong khả năng và điều kiện của mình. Còn nếu quy định chung như Hiến pháp thì sẽ không khả thi. Đại biểu cũng cho rằng không nên đồng nhất khái niệm về nhà ở với chỗ ở.

Đối với chính sách nhà ở, công vụ nhà ở xã hội cho người đang công tác trong lực lượng vũ trang, đại biểu Vũ Huy Khánh đề nghị chỉnh sửa, bổ sung tại điểm d, khoản 1 Điều 45 theo hướng quy định rõ đối với người công tác trong lực lượng công an nhân dân là sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật và công nhân công an được thuê nhà ở công vụ và được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 7, Điều 76 dự thảo Luật. 

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nội dung về kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cần xin ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định để kiểm tra lại về việc các địa phương quan tâm bố trí việc các dự án phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nói chung và phù hợp với các quy định khác mà Đảng, Nhà nước đã có. 

PV/Quochoi.vn