Nguy cơ thiếu điện khu vực

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 trên toàn hệ thống là 21.650 MW. Trong đó, các nguồn điện do EVN đầu tư là 7.185 MW (chiếm 33,2%), các nguồn điện do các DN khác đầu tư là 14.465 MW (chiếm 66,8%).

Trong 2 năm (2016 - 2017), tổng công suất các nguồn điện đã đưa vào vận hành toàn hệ thống ~6.600 MW, bằng 101,4% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (6.511 MW).

Trong đó, EVN đưa vào phát điện 4.440 MW, vượt 1.145 MW so với tổng công suất được giao trong 2 năm (3.295 MW), chiếm 67% tổng công suất các nguồn điện đã được đưa vào vận hành trên toàn quốc. Ngoài ra, các CĐT khác cũng đã đưa vào vận hành 2.160 MW, thấp hơn 1.056 MW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo Bộ Công thương, về khả năng thực hiện đầu tư phát triển nguồn điện, căn cứ thực tế triển khai các dự án, dự kiến tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có khả năng đưa vào vận hành giai đoạn 2018 - 2020, chỉ đạt ~ 8.900 MW (bình quân 3.000 MW/năm), chỉ bằng 60% khối lượng dự kiến theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (15.140 MW).

Mặt khác, các dự án thủy điện nhỏ, các dự án năng lượng tái tạo, dự kiến sẽ vận hành trong giai đoạn này chiếm tỷ trọng rất lớn, lên tới 37,7% (từ 2016 - 2017 khoảng 10%).

Tuy nhiên, nhiều dự án có nguy cơ chậm tiến độ như Ô Môn III của EVN là 750 MW, Thủy điện Ialy MR 360 MW...

Đối với các dự án điện mặt trời, đã được bổ sung quy hoạch với tiến độ hoàn thành năm 2020, khoảng 5.000 MW. Song, đến nay chỉ có 27 dự án đã trình Bộ Công thương xem xét, thẩm định thiết kế cơ sở với tổng công suất 1.596 MWp.

Trên cơ sở kết quả thực hiện các năm 2016, 2017 và khả năng thực hiện 2018 - 2020, dự kiến, cả giai đoạn 2016 - 2020, tổng công suất các nguồn điện trên toàn quốc có thể đưa vào vận hành khoảng 15.500 MW, bằng ~ 72% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo tính toán, tiềm ẩn nguy cơ mất điện tại khu vực miền Nam giai đoạn 2020 - 2023, các NM điện cùng với đó phải vận hành với cường độ cao từ 6.500 - 7.000h. Xác suất mất tải cao khiến nguy cơ thiếu điện ở khu vực là rất lớn.

Quy hoạch điện VII: Thu xếp vốn gặp khó - Hình 1

Quy hoạch điện VII dự kiến chỉ đạt được 60% trong giai đoạn 2018 - 2020

Tạm dừng bảo lãnh vay vốn

Một trong những khó khăn đối với các dự án đó là nguồn vốn. Theo các tập đoàn và CĐT trong nước thì, việc thu xếp vốn là “rất khó khăn”.

Theo đó, Chính phủ tạm dừng chủ trương bảo lãnh vay vốn. Đến nay, Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 MR đã ký hợp đồng vay, tổng khối lượng thực hiện đạt 68%, nhưng chưa được chấp thuận cấp bảo lãnh; Dự án Nhiệt điện Sông Hậu I đã ký hợp đồng vay từ năm 2016, đã phải gia hạn lần thứ 6, đến ngày 11/6/2018 mới được cấp bảo lãnh từ Chính phủ.

Các nguồn vốn ODA vay ưu đãi nước ngoài để đầu tư các dự án điện rất hạn chế, thậm chí một số khoản vay đã có cam kết của các ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế, nhưng chưa được các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.

Việc thu xếp các nguồn vốn trong nước cũng rất khó khăn và không đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư của EVN, PVN, TKV; mặt khác hiện hầu hết các ngân hàng đã vượt hạn mức tín dụng đối với CĐT và các đơn vị liên quan.

Bên cạnh đó, các dự án còn vướng mắc trong việc trình duyệt quyết định CĐT, nhất là các dự án điện/năng lượng Nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 - 5.000 tỷ đồng, do “vướng” giữa Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…

Công tác đền bù GPMB các dự án gặp nhiều khó khăn, ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình như các dự án tại TTĐL Quảng Trạch, Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 MR, các công trình lưới điện truyền tải, các công trình đường dây…

Trước tình hình đó, Bộ Công thương kiến nghị Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét cấp bảo lãnh chính phủ đối với các dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, Quỳnh Lập I, Na Dương II theo đề nghị của EVN, TKV; ưu tiên cấp bảo lãnh đối với các dự án điện cấp bách.

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng văn bản về bảo lãnh các khoản vay vốn nước ngoài của dự án NM Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, dự án NM Nhiệt điện Sông Hậu I, danh mục dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh chính phủ năm 2018.

Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách thay thế QĐ số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ; xem xét ban hành điều chỉnh cơ chế hỗ trợ giá mua điện gió thay thế cho QĐ số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Bùi Quyền