Cụ thể, số dư quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2018: 3.504 tỉ đồng. Tổng số trích quỹ BOG trong quý 1/2019 (từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/3/2019) là 1.659 tỉ đồng. Tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý 1/2019 là 5.787 tỉ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương trong quý 1/2019: 3,406 tỉ đồng.  Tuy nhiên, số dư quỹ BOG đến hết quý 1/2019 là âm 620,643 tỉ đồng.

Thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính thông tin chi tiết về tình hình trích lập, sử dụng, số dư quỹ bình ổn giá (BOG) trong Quý 1/2019 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. 

Quý I/2019: Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm 620 tỷ đồng - Hình 1

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ ngày 12/4, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc trích lập quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi".

Để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới, hiệp hội này kiến nghị bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu. Hiệp hội tin tưởng rằng, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp đầu mối. 

Với quy định này, giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh những yếu tố tác động lên giá dầu như kinh tế, địa chính trị, tôn giáo liên tục diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay. 

Tuy nhiên, trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, Chính phủ cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước nhằm hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Ngọc Linh