Ảnh minh họa
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, việc trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi" khi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quỹ.
Cũng theo VINPA, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá mang tính hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Do đó, nên bỏ quỹ này để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới.
VINPA cũng tin rằng khi bỏ Quỹ bình ổn giá cũng sẽ giúp việc điều hành giá xăng dầu minh bạch, bình đẳng hơn. Việc trích quỹ ở mức cao khiến những doanh nghiệp càng bán càng lỗ, giảm lợi nhuận.
Thực tế, Quỹ bình ổn xăng dầu đã được nhà điều hành xả mạnh từ quý IV/2018 và những tháng đầu năm 2019. Riêng năm 2018 cơ quan quản lý đã chi 1.600 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn để "kìm" giá xăng.
Trong cuộc họp báo quý I/2019 ngày 5/4 tại Bộ Công thương, trước câu hỏi của báo chí về việc có nên duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nữa không, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Cá nhân tôi không muốn có quỹ này. Tôi mong càng sớm càng tốt bỏ quỹ đi".
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, nếu không dùng Quỹ Bình ổn giá, giá bán lẻ trong nước đã tăng cao hơn nhiều và tác động tới lạm phát, ảnh hưởng tới quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Lê Đại