Dự thảo luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án treo
Điều 49, Luật Đất đai năm 2013 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó, nêu rõ các trường hợp quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất… thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Tuy vậy, thực tế nhiều nơi các dự án lại đang kéo dài, có quy hoạch, kế hoạch nhưng lại chưa có quyết định thu hồi đất khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn.
Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều dự án đã có quy hoạch nhưng chậm triển khai thực hiện. Không ít dự án chậm triển khai lên đến hơn chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất, cụ thể như: Không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, làm phí tài nguyên đất trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh...
Do đó, bà Hoa đề nghị dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, dự thảo luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án treo để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.
Ông Nguyễn Phi Trường, ở phường Phước Hải, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa góp ý, nhà ở gia đình ông bị quy hoạch để mở đường, khu đô thị mới nhưng 10 năm nay, chờ mãi dự án chưa triển khai. Nhà ở chỗ trũng thấp, xuống cấp nhưng không thể xây mới, sửa chữa; mua, bán, thế chấp cũng hạn chế. Ông Nguyễn Phi Trường đề nghị, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần có chế tài để các cấp chính quyền, doanh nghiệp thực hiện các quy hoạch cũng như quy định cụ thể về tái định cư để người dân an tâm bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.
Cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước để xảy ra dự án treo
Tiến sỹ Lê Xuân Thân, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Khánh Hòa thông tin, hiện nay, vấn đề quy hoạch và thực hiện kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã thể hiện ở Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013, ghi rõ người dân có quyền chuyển nhượng, xây dựng nhà cửa nếu dột nát… nhưng thực tế không thể làm được, chưa ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước.
Trong Dự thảo đưa ra lấy ý kiến toàn dân cũng chưa kịp thời bổ sung để đảm bảo quyền lợi người dân. Để điều luật này khả thi, giải quyết được những khó khăn do dự án treo gây ra, tránh thiệt thòi cho người dân thì cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền không được hạn chế, ngăn cản các quyền của người dân.
“Quy định của luật hiện hành là quá 03 năm nhưng chung chung, ghi lại cũng chưa cụ thể. Thực tế phát sinh là không phải chưa thực hiện mà đã thực hiện nhưng chưa xong, kéo dài, dây dưa. Luật phải quy định rõ luôn trong đó là thực hiện và thực hiện không đúng tiến độ phải hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm đó để người dân thực hiện các quyền của mình. Có như vậy mới khả thi”, Tiến sỹ Lê Xuân Thân phân tích.
Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa.
Hải Dương (t/h)