Người dân rất khổ
Trả lời tại buổi tiếp xúc cử tri vào sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn thừa nhận người dân quanh Khu xử lý chất thải Nam Sơn rất khổ, nguyên nhân ban do nước rỉ rác ở các hồ chứa cạnh khu chôn lấp bốc mùi rất mất vệ sinh.
Người dân dựng lều chặn xe
Theo ông Chung, hệ thống xử lý rác thải của Hà Nội chủ yếu đang sử dụng phương pháp chôn lấp. Cứ 1 m3 rác thải thì sinh ra 1,3 m3 nước rỉ rác. Trong khi đó, tại khu vực nhà máy rác Nam Sơn có 3 hồ để chứa nước rỉ rác.
Người đứng đầu TP cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, Hà Nội đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào khai thác nhiều nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao theo tiêu chuẩn châu Âu.
Nhà máy điện rác Nam Sơn với công suất 4.000 tấn/ngày đêm, đưa tỷ lệ rác thải chôn lấp xuống dưới 5%. Khí thải từ các nhà máy này đảm bảo hoàn toàn không độc hại, được Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học Công nghệ kiểm định.
Nếu đưa vào hoạt động, thì đảm bảo không hại sức khỏe cho người dân vì bộ lọc khí thải rất hiện đại.
Vướng mắc đền bù
Liên quan đến việc người dân phản đối không cho xe rác đi vào nhà máy Nam Sơn, ông Chung cũng thẳng thắn thừa nhận do vướng mắc, hiện TP đã phân công một phó chủ tịch UBND và một phó bí thư Thành ủy trực tiếp lên đối thoại với người dân nhằm giải đáp thắc mắc và tháo gỡ khó khăn.
Nhà máy xử lý rác thải đang hoàn thành
Vấn đề di dời các hộ dân xung quanh được Chung nhắc đến những vướng mắc mà người dân chưa đồng tình.
"Vướng mắc thứ nhất là giá và đất nhà tái định cư đã được thành phố bố trí xong. Thứ hai là kinh phí cho việc tái định cư thành phố đã đảm bảo đủ. Vấn đề thứ 3, cũng là vướng mắc nhất hiện nay là hạn định nguồn gốc đất", ông Chung nói trước cử tri.
Theo chủ tịch Hà Nội, thành phố xác định nguồn gốc đất của người dân để đền bù theo các vùng là trong bán kính từ 0 m đến 1.000 m; từ 1.000 m trở lên và từ 1.200 m trở lên.
Tuy nhiên, hiện tại thành phố lại quy định lại, bồi thường cho nhà người dân trong bán kính 400 m, còn trên 400 m thì chỉ nhận được hỗ trợ.
Do các công trình, tài sản trên đất ở trên 400 m đang chỉ được nhận mức hỗ trợ thấp hơn nên người dân không đồng tình.
Cũng trong sáng nay, trao đổi với chúng tôi hầu hết người dân đang tập trung để phản đối xe rác đi vào Nam Sơn, họ đều mong muốn được đối thoại với cấp cao nhất về vấn đề đền bù thỏa đáng.
"Nhà tôi có 100 mét thổ cư, vài trăm mét liền kề. Nếu với mức thành phố đang đưa ra thì không thể đủ điều kiện để dời ra chỗ mới. Trong khi đó, cũng tại địa bàn xã này chỉ cách vài trăm mét đến chỗ tái định cư, người dân chúng tôi phải bỏ ra giá tầm 4 triệu đồng/m thì quá vô lý", một người dân chia sẻ.
Người dân rút lều, bạt từ 14h chiều nay 17/7
Cũng trong sáng 17/7, Phó Bí thư thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng; Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An… cùng một số lãnh đạo sở ngành liên quan đã có buổi đối thoại với người dân 3 xã ảnh hưởng bởi bãi rác Nam Sơn tại hội trường UBND huyện Sóc Sơn. Cuộc họp chủ yếu xoay quanh nội dung thời điểm đền bù và mức đền bù cho người dân trực tiếp bị ảnh hưởng.
Sau cam kết của lãnh đạo thành phố, người dân 3 xã đã đồng tình dỡ lán, rút khỏi đường di chuyển vào bãi rác Nam Sơn, cụ thể:
Gần 14h chiều 17/7, người dân 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bắt đầu dỡ lều bạt, dời điểm chốt chặn trước lối vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn).
Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, ngay sau khi người dân dỡ lều bạt, xe chở rác của công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội đã tiếp tục vận chuyển rác đến Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Dự kiến, đơn vị sẽ tăng ca, tăng xe để vận chuyển hết chỗ rác tồn đọng tại các điểm trung chuyển trong 2, 3 ngày tới.
Đăng Khôi