So với 10 - 15 năm trước chỉ có thể vay thế chấp, thì thị trường tài chính tại Việt Nam hiện nay đã mở rộng và đa dạng hơn với nhiều hình thức vay. Phổ biến là rút tiền từ thẻ tín và trả góp 0%.
Tưởng chừng như rất tiện lợi nhưng người dùng lại có thể phải gánh thêm các khoản nợ lớn hơn nhiều nếu không tìm hiểu để nắm kỹ các quy định về lãi suất, điều khoản thanh toán.
Thẻ tín dụng được phát hành tại Việt Nam từ năm 2001. Theo số liệu từ Hiệp hội Thẻ Việt Nam, hết tháng 06/2021, số thẻ tín dụng được phát hành ở nước ta là hơn 6,5 triệu thẻ với hơn 40 tổ chức phát hành.
Theo số liệu từ Chi hội Thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), từ năm 2018 đến năm 2020, doanh số sử dụng thẻ tín dụng quốc tế tăng trung bình 33%/ năm. Còn tính riêng 06 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng 32% so với cùng kỳ, đạt mức 219.611 tỷ đồng.
So với các nước Âu - Mỹ thì tỷ lệ sở hữu thẻ tín dụng ở Việt Nam còn khá thấp. Nhưng tính số lượng thẻ đang lưu thông thì việc sử dụng thẻ tín dụng tại nước ta thì đã phổ biến và là phương tiện chi tiêu chủ yếu của nhiều người. Đặc biệt, một số người còn sở hữu nhiều hơn 1 thẻ tín dụng.
Có nhiều tiện ích được phát triển để thu hút khách hàng sử dụng và chi tiêu nhiều trên thẻ tín dụng như trả góp 0%, vay tiền, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng…
Trả góp 0% là hình thức được nhiều người dùng ưa chuộng bởi lầm tưởng không phải trả các khoản lãi thường thấy khi vay mua một món hàng. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi ngân hàng lại có chính sách riêng khi phát hành thẻ có trả góp 0%.
Một số ngân hàng chia điểm quẹt thẻ thành 2 nơi: một là có liên kết trả góp 0% và hai là không liên kết. Khi mua hàng tại nơi có liên kết, khách hàng sẽ không phải trả thêm các khoản phí. Nhưng nếu mua sắm tại những nơi nằm ngoài danh mục liên kết, khách hàng sẽ bị thu phí chuyển đổi trả góp từ 3-5% tiền quẹt thẻ. Đa số các ngân hàng thu tiền chuyển đổi trả góp theo kỳ hạn 3 - 6 - 12 tháng với phí dao động 5% khi trả góp 12 tháng.
Tiền trả góp hàng tháng sẽ được cộng tự động vào khoản thanh toán tối thiểu hàng tháng cho đến khi hết kỳ hạn. Người dùng bắt buộc phải trả món tiền này. Nếu không thanh toán, người dùng có thể bị xem là đang có nợ xấu, từ đó sẽ khó vay và mở thẻ tín dụng tại các tổ chức tín dụng khác.
Ngoài ra, hiện nay còn có hình thức vay từ hạn mức thẻ tín dụng. Với hình thức này, ngân hàng cho phép người dùng vay trong hạn mức mà vẫn đảm bảo được an toàn cho cả ngân hàng và khách hàng. Về cơ bản thì thẻ tín dụng sẽ được cấp như một hình thức tín chấp.
Tùy theo mỗi ngân hàng mà hạn mức ứng tiền mặt từ thẻ tín dụng sẽ khác nhau. Thông thường tối đa là 70% với lãi suất từ 1,58 đến 2%/ tháng, có thể dựa trên dư nợ xấu hoặc không.
Các hình thức vay từ thẻ thẻ tín dụng hiện nay đều vô cùng tiện lợi với người dùng. Tuy nhiên, để tránh các phát sinh hay các rắc rối không mong muốn, khách hàng cần tìm hiểu kỹ yêu cầu trả nợ trước quyết định sử dụng.
Hồng Nhung (t/h)