Chiều 12/6/2019, nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến trái chiều khi thảo luận về quy định ngày 27/7 là một ngày nghỉ lễ chính thức trong năm, theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) băn khoăn về những con số, hình ảnh đọng lại trong những ngày nghỉ lễ của nước ta. Đó là hình ảnh đông nghẹt người du lịch các bãi biển, hàng nghìn người dân chôn chân trên đường nắng nóng khi di chuyển về các thành phố lớn cũng như các con số thống kê về tai nạn giao thông, số người chết và bị thương.
“Đây là những con số hết sức ám ảnh. Tôi đề nghị Chính phủ cần có phương án hướng tới chọn ngày nào sao cho thiết thực, hiệu quả”, bà Nguyệt nói.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình trước Quốc hội chiều 12/6
Cho rằng ngày tri ân 27/7 “nghe có vẻ rất hay”, song đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói khi nghĩ kỹ thì thấy “không ổn”. Ông lo việc tri ân sẽ trở nên nhạt nhoà, không sâu sắc, thậm chí có thể bị người xấu lợi dụng để tổ chức những hoạt động không phù hợp.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhấn mạnh 27/7 là ngày rất thiêng liêng, đồng thời đặt câu hỏi “Tại sao chúng ta lại phải nghỉ tự do, nô đùa, thậm chí sung sướng?”. Theo ông, không nên làm như vậy.
Giải trình làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đề xuất lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ trong năm thể hiện rõ ý nghĩa tính văn. Tuy nhiên, qua ý kiến của đại biểu phát biểu, tranh luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ xin tiếp thu, lắng nghe và xin chính thức rút nội dung này ra khỏi Dự thảo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, về những nội dung khác trong Dự thảo Luật, ban soạn thảo sẽ tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến sâu rộng của các đối tượng xã hội, tiếp tục phối hợp với Ủy ban các vấn đề xã hội, nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ để lựa chọn một cách thấu đáo trình Quốc hội xem xét.
PV