Phát biểu tại cuộc họp báo, người đứng đầu BPOM Penny K Lukito cho biết, 02 nhà sản xuất siro từ nguyên liệu Propylene Glycol bị nhiễm Ethylene Glycol (EG) và Diethylene Glycol (DEG) nghi là nguyên nhân khiến ít nhất 269 trẻ - chủ yếu dưới 5 tuổi - bị mắc bệnh thận cấp tính từ đầu năm nay, trong 157 trẻ tử vong. Cụ thể, 02 công ty dược phẩm này là PT Yarindo Farmatama đóng tại thành phố Serang, tỉnh Banten; và PT Universal Pharmaceutical Industries ở thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra.
Riêng tại công ty PT Yarindo, cảnh sát đã tịch thu hàng nghìn sản phẩm thuốc dạng siro bị nhiễm EG và DEG, với nhãn hiệu Flurin DMP. Ngoài ra, nhóm điều tra cũng tịch thu một số tài liệu liên quan đến việc thu mua nguyên liệu để tìm hiểu sâu hơn về phạm vi phân phối nguyên liệu cho sản phẩm thuốc nói trên.
Sản phẩm Flurin DMP Syrup của PT Yarindo sử dụng Propylene Glycol làm nguyên liệu có chứa EG với tỷ lệ 48 mg/ml, cao gấp gần 100 lần so với ngưỡng yêu cầu dưới 0,1 mg/ml.
Theo nhà chức trách y tế Indonesia, dung môi được sử dụng trong siro của 02 công ty bị phát hiện chứa tạp chất.
BOPM cho biết thêm sẽ xem xét liệu các nhà phân phối cho 02 công ty nói trên có cung cấp nguyên liệu cho các hãng dược khác hay không.
Trước đó, giới chức Indonesia đã ra lệnh thu hồi các nhãn hiệu thuốc siro do chứa lượng EG và DEG. Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, các loại siro ho này có thể gây suy thận cấp ở trẻ em và chính phủ đã ban hành lệnh cấm bán tạm thời các loại thuốc bị điều tra cho đến khi có thông báo mới.
Thiên Trường