Huyện Đan Phượng “lại nóng” trong công tác quản lý đất đai?

Chiều 28/5, tại giao ban báo chí tại Thành ủy Hà Nội, UBND H. Đan Phượng thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ cuối năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm, huyện Đan Phượng đã tích cực chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Ước đến 30/6/2019, toàn huyện thu hồi được 187.408,2 m2 với số tiền giải phóng mặt bằng hơn 200 tỷ đồng.

Trong đó tập trung vào một số dự án như: Khu chức năng đô thị dự án Green city, Công viên Vĩnh Hằng, Trạm biến áp 110KV và cột số 4 Thị trấn Phùng… Công tác giải phóng mặt bằng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Sai phạm KĐT Tân Tây Đô vẫn chưa có hồi kết? - Hình 1 

               Ông Nguyễn Thạc Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng báo cáo tại Thành ủy Hà Nội

Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội đã ban hành chỉ thị 04 ngày 14/01/2014 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố, địa phương đã thực hiện nghiêm túc.

Trước ý kiến liên quan đến huyện Đan Phượng “lại nóng” việc lấn chiếm đất công, sử dụng đất sai mục đích, ông Nguyễn Thạc Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho hay: “Nói là biệt thự đặt trên đất nông nghiệp tại Đan Phượng, hiện nay tôi khẳng định là không có. Chúng tôi đã thành lập một đoàn kiểm tra về vi phạm đất đai để rà soát, xử lý theo đúng quy định”.

Căn nhà cao vượt tầng so với các căn nhà khác trong KĐT Tân Tây Đô, có dấu hiệu cơi nới không đúng với hồ sơ thiết kế, quy hoạch đã được phê duyệt.

Thừa nhận vẫn còn những tồn tại trong công tác quản lý đất đai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho hay, do đặc thù nguồn gốc đất phức tạp nên việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn còn chậm.

Tình hình vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng còn xảy ra ở một số nơi. Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý đất đai, từ đầu năm đến nay, huyện đã thực hiện kiểm tra công vụ với 3 cơ quan về thực hiện chức trách, nhiệm vụ đầu tư xây dựng; thanh tra công vụ với 3 Chủ tịch UBND xã trong việc chậm xử lý vi phạm đất đai.

“Nhức nhối” Tân Tây Đô chưa tìm được lời giải

Tại cuộc giao ban, rất nhiều nhà báo, phóng viên đặt ra câu hỏi liên quan đến hàng loạt bất cập và sai phạm của Công ty CP Đầu tư Hải Phát - Chủ đầu tư KĐT Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) như: nước sạch, tự ý thay đổi công năng, kiến trúc, mập mờ các khoản thu bất chính…

Trước vấn đề nước sạch ông Nguyễn Thạc Hùng nói: “Trước đây có một trạm xử lý không đảm bảo yêu cầu, huyện đã phối hợp Sở Xây dựng báo cáo với UBND thành phố và kéo đồng hồ tổng là Công ty nước sạch Tây Hà Nội và chủ đầu tư đã cung cấp”.

“Hiện nay đang có vướng mắc giữa chủ đầu tư cấp 1 là Công ty Tuấn Quỳnh và cư dân, chúng tôi yêu cầu phải xử lý theo quy định của pháp luật, làm sao để phục vụ đời sống nhân dân cho tốt. Trách nhiệm của chúng tôi là nước sạch đến khu đô thị vào đồng hồ tổng và giá phải theo quy định”, ông Hùng cho biết thêm.

Liên quan đến việc CĐT không xây dựng hạ tầng công cộng là trường mầm non theo quy hoạch trong suốt nhiều năm. Hiện nay lại tự ý chuyển đổi khu đất trên thành bãi đỗ xe. Ông Nguyễn Thạc Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho rằng: “Bãi đỗ xe này không ai cấp phép, CĐT tự dựng lên phải xử lý, đập đi chứ ai cho phép. Chúng tôi đang giao cho đội QLTTĐT đôn đốc, hướng dẫn xã làm thủ tục đúng quy trình”.

Giải thích về việc KĐT Tân Tây Đô đang sử dụng sai công năng và thiết kế, ông Hùng cho biết: “Cái này là công trình 2016 trở về trước là thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng, vừa rồi sau khi báo chí phản ánh huyện đã lập hồ sơ xử lý vi phạm, thực hiện theo các bước. Đội QLTTXD đang phối hợp với CĐT làm một báo cáo xác định rõ từng loại vi phạm tại từng thời điểm”.

Phóng viên đưa ra nhiều câu hỏi liên quan đến việc 03 tòa chung cư (CT2A, CT2B, HHB) tại Khu đô thị mới Tân Tây Đô chưa được Cục giám định, Bộ xây dựng nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư Công ty CP đầu tư Hải Phát đã bán và bàn giao cho người dân vào ở 5 năm nay từ năm 2014 đến nay.

Hay sự vào cuộc của UBND huyện như thế nào khi Chủ đầu tư Hải Phát chiếm dụng trái phép để xây dựng các công trình không có trong quy hoạch như quán café, trạm điện, trạm xử lý nước thải, Hệ thống PCCC chất lượng thấp…

Nhất là việc khi 5 năm qua chủ đầu tư đã đưa tòa nhà vào sử dụng, đến thời điểm này Hải Phát mới xin giấy phép xả thải. Vậy trước đây toàn bộ nước thải của KĐT Tân Tây Đô được xử lý như thế nào?

Trước những câu hỏi trên ông Nguyễn Thạc Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho hay: “Cái này chúng tôi phải kiểm tra hồ sơ, tôi mới phụ trách vấn đề này nên đang tiến hành rà soát và sẽ trả lời bằng văn bản trong thời gian sớm nhất”.

Ngoài ra, nhiều năm theo phản ánh BQL dự án KĐT Tân Tây Đô và Cơ quan quản lý trật tự xây dựng Huyện Đan Phượng đã thực hiện thu nhiều khoản tiền của người dân và cho phép cư dân các Khu liền kề, biệt thự được phép cơi nới thêm nhiều công trình/ hạng mục công trình: Như xây thêm tum tầng mái, mở rộng hành lang phía trước, đục thông từ 02 căn hộ liền kề. Dẫn đến thực trạng kiến trúc, công năng khác rất nhiều so với quy hoạch thẩm duyệt dự án.

Thế nhưng, ông Hùng cho biết chưa nắm bắt được trường hợp nào sẽ báo cáo Chủ tịch huyện đề nghị giải quyết. Đồng thời mong muốn báo chí vào cuộc cùng với UBND huyện để làm rõ những bức xúc của cư dân trong tháng 6/2019.

Đặc biệt, huyện đang tập trung xây dựng, hoàn thiện và trình Thành ủy, UBND Thành phố đề án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng thành quận vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay huyện Đan Phượng vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối, chưa giải quyết triệt để. Liệu tiến trình lên quận có hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đứng trước những bức xúc trên, UBND huyện Đan Phượng sẽ xử lý ra sao? Có câu trả lời giải thích thỏa đáng như thế nào trước những “nhức nhối” tại KĐT Tân Tây Đô?

Trúc Mai