THCL Ngoài việc phải thu hồi về hơn 42,4 tỷ đồng; báo cáo phương án xử lý đối với số tiền hơn 47,4 tỷ đồng thu được từ công tác tuyển sinh, đào tạo…,  Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT, ngày 16/9/2016 của Thanh tra Bộ Công thương yêu cầu Trường ĐH Điện lực khẩn trương rà soát, xác định và thu hồi hàng loạt khoản thu chưa quyết toán về trường theo quy định.

Sai phạm “khủng” tại Trường ĐH Điện lực: Hàng loạt khoản thu chưa quyết toán theo quy định - Hình 1

Hàng loạt khoản thu chưa thực hiên quyết toán theo đúng quy định

Lập tức thu hồi tiền học phí, lệ phí tuyển sinh…

Kết luận thanh tra yêu cầu Trường ĐH Điện lực tiếp tục rà soát, xác định, thu hồi số lệ phí tuyển sinh, lệ phí tốt nghiệp và quyết toán chi phí thực tế theo quy định pháp luật của Phòng Đào tạo, Khoa Đào tạo sau đại học, Trung tâm đào tạo thường xuyên và các đơn vị có liên quan.

Xác định, thu hồi số học phí đào tạo chuyển đổi bổ sung kiến thức của 1.537 học sinh do Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng và Môi trường thực hiện; tiếp tục rà soát, xác định số học sinh học bổ sung kiến thức và thu hồi đầy đủ kinh phí đào tạo này về trường theo quy định.

Sai phạm “khủng” tại Trường ĐH Điện lực: Hàng loạt khoản thu chưa quyết toán theo quy định - Hình 2

Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT, chỉ rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng tại Trường ĐH Điện lực

Xác định, thu hồi số học phí và quyết toán chi phí thực tế theo quy định đối với các đơn vị đầu mối và cá nhân được giao quản lý đào tạo, như: Phòng Đào tạo; Khoa Hệ thống điện (ông Phạm Văn Hóa, nguyên Trưởng khoa Hệ thống điện thực hiện); Khoa Công nghệ thông tin; Khoa Công nghiệp tự động; Khoa Điện tử viễn thông; Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn Viễn thông điện lực; Khoa Công nghệ cơ khí; Khoa Đào tạo sau đại học; Trung tâm Đào tạo thường xuyên; Trung tâm đào tạo nâng cao (gồm cả Văn phòng phía Nam); Trung tâm Đào tạo và Hợp tác quốc tế (gồm cả liên kết đào tạo với nước ngoài).

Đặc biệt, Kết luận thanh tra yêu cầu Trường ĐH Điện lực khuẩn trương xác định thu hồi toàn bộ số học phí và quyết toán chi phí theo thực tế theo quy định của 169 lớp với 8.903 học sinh không có hợp đồng mà vẫn tổ chức đào tạo và thu - chi như liên kết đào tạo.

Cụ thể, Phòng Đào tạo là 104 lớp với 5.414 học sinh; Trung tâm Đào tạo hợp tác quốc tế 1 lớp với 83 học sinh; Trung tâm Đào tạo nâng cao – Văn phòng phía Nam 12 lớp với 777 học viên; Trung tâm Nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng và môi trường là 9 lớp với 629 học viên; Công ty CP Hỗ trợ phát triển năng lượng Việt Nam (EDS) là 26 lớp với 1.290 học viên; Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật Hồng Lam là 17 lớp với 710 học viên.

Làm việc với Công ty CP Hỗ trợ phát triển năng lượng Việt Nam (EDS) về việc thực hiện hợp đồng đào tạo, xác định chính xác tỷ lệ được hưởng theo hợp đồng để làm cơ sở quyết toán theo quy định; rà soát, kiểm tra những nghiệp vụ kinh tế phát sinh để hoạch toán đảm bảo quy định. Bên cạnh đó, trường đề xuất xử lý các khoản tiền đã thu của sinh viên nhập học đầu kỳ, nhưng chưa chi hết (có tính chất thu hộ, chi hộ).

Thu hồi số bằng tốt nghiệp đã cấp sai quy định

Sai phạm “khủng” tại Trường ĐH Điện lực: Hàng loạt khoản thu chưa quyết toán theo quy định - Hình 3

Yêu cầu Trường ĐH Điện lực thu hồi, không cấp bằng tốt nghiệp cho những trường hợp không đủ điều kiện

Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT, cũng nêu rõ, yêu cầu Trường ĐH Điện lực khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoạc ban hành mới các quy chế nội bộ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các mặt hoạt động của trường.

Trình cấp có thẩm quyền, xem xét kiện toàn bộ máy tổ chức để chủ động trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện Đề án tự chủ thí điểm đã được phê duyệt; chấp hành đúng các quy định của pháp luật về công tác tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo và công tác quản lý tài chính; chấm dứt việc tổ chức đào tạo liên thông, liên kết không đúng quy định của pháp luật.

Kết luận thanh tra cũng yêu cầu, Trường ĐH Điện lực phải rà soát lại toàn bộ sinh viên của các lớp liên thông liên kết về điều kiện đầu vào, tuyển sinh, kết quả đào tạo, điều kiện tốt nghiệp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi hoặc không cấp bằng tốt nghiệp đối với những trường hợp không đủ điều kiện; đề xuất phương án giải quyết vấn đề nợ bằng cho sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp theo đúng các quy định hiện hành.

Rà soát, tập hợp, hoàn thiện các hồ sơ học sinh, sinh viên để quản lý, lưu trữ, khai thác theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực (nếu có).

Bên cạnh đó, phải thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo, lưu trữ và quản lý hồ sơ theo quy định…

Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Tuấn Ngọc