Năm 2017, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh hàng nông sản An Hòa, huyện Tam Dương được thành lập. Với diện tích canh tác 32 ha, hoạt động của hợp tác xã đã góp phần tận dụng được lợi thế từ đất đai, nguồn nhân lực dồi dào, kinh nghiệm sản xuất của nông dân tại địa phương để phát triển mô hình sản xuất rau hữu cơ, rau củ quả an toàn theo hướng VietGAP với các loại như dưa chuột, mướp đắng, bầu, ngô ngọt, ớt, bí đao... Hợp tác xã có nhà bảo quản lạnh, cơ sở sơ chế khang trang, thường xuyên được cán bộ nông nghiệp hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, ứng dụng kỹ thuật mới và được hưởng các chính sách ưu đãi của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Ông Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, kinh doanh hàng nông sản An Hòa cho biết: Để tạo ra sản phẩm rau củ quả an toàn cho sức khỏe sẽ tốn công sức và thời gian hơn so với quy trình sản xuất rau thông thường. Với quy trình sản xuất đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, các sản phẩm của hợp tác xã được người tiêu dùng ưa chuộng, được các siêu thị trên địa bàn và một số công ty chế biến các mặt hàng nông sản hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Giá bán của các mặt hàng này thường cao hơn khoảng 20% so với các loại rau củ quả được sản xuất theo quy trình thông thường. Khi tham gia mô hình sản xuất của hợp tác xã, bà con nông dân không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm, hiệu quả kinh tế đạt cao.
Là huyện thuần nông, để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống Nhân dân, huyện Yên Lạc đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn. Tại một số vùng bãi như: Liên Châu, Hồng Châu, Trung Hà... đã chuyển sang trồng cây ăn quả như bưởi, chuối tiêu hồng, đu đủ, cam theo hướng VietGAP, với quy mô hàng trăm ha. Các xã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn và đưa các giống vật nuôi lai tạo, ngoại nhập có năng suất vào sản xuất. Đến nay, Yên Lạc có tỷ lệ bò lai, bò ngoại, lợi siêu nạc chiếm trên 98% tổng đàn; 36.800 con lợn trên 2 tháng tuổi; đàn gia cầm có 950.000 con; nuôi lợn thương phẩm VietGAP 200 con.
Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm các mặt hàng nông sản trên địa bàn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến kỹ thuật trồng rau ăn lá theo hướng hữu cơ và rau củ quả theo hướng VietGAP cho nông dân. Hiệu quả của các mô hình không chỉ thúc đẩy nguồn cung sản phẩm an toàn cho thị trường mà còn giúp người dân được hỗ trợ về phân bón, thuốc vi sinh, cây giống, được bao tiêu đầu ra sản phẩm và đặc biệt, nhiều người dân đã có chuyển biến về tư duy trong sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nông sản, hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, các cấp ủy Đảng, chính quyền toàn tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách xây dựng các chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sạch theo mô hình VietGAP, nông nghiệp sử dụng công nghệ cao. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân giai đoạn 2021 - 2025 nhằm khuyến khích, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của địa phương tiến tới xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá, đáp ứng yêu cầu của thị trường, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để triển khai hơn 1.700 ha gieo trồng cây bí đỏ, dưa chuột, khoai tây, cà chua… với mức hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học để sản xuất rau quả hàng hóa an toàn theo hướng VietGAP.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Với những cơ chế hỗ trợ thiết thực của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ngày càng phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao đời sống Nhân dân, tăng hiệu quả hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các loại rau củ quả sản xuất hàng hóa an toàn theo hướng VietGAP đều cho năng suất cao, hiệu quả kinh tế đạt từ 80 - 300 triệu đồng/ha. Về tác động với môi trường, quá trình sử dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh trong sản xuất không chỉ cung cấp dưỡng chất cho cây trồng mà còn tạo ra các loại vi sinh vật hữu ích cho đất giúp phân hủy nhanh tàn dư cây trồng, cải tạo đất đai màu mỡ hơn, an toàn đối với sức khỏe con người.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị và hiệu quả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng; đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm và chuyển đổi số trong nông nghiệp; tăng cường hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại và phát triển thị trường nông sản tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất nông sản chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của thị trường.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp an toàn phát triển bền vững; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở sản xuất, hộ gia đình thực hiện nghiêm các quy định sản xuất theo chuẩn VietGAP, chủ động tìm kiếm thị trường bằng cách trực tiếp đưa sản phẩm tới khách hàng hoặc hợp đồng liên kết với hệ thống bán lẻ, các đơn vị tiêu dùng với số lượng lớn như bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn.
Hà Trần (t/h)