Sản xuất cây trồng an toàn
Năm 2008, Bộ NN&PTNT đã ban hành quy trình kỹ thuật “Viet GAP” cho rau quả nhằm bảo đảm an toàn nông sản thông qua 65 điểm kiểm soát. Năm 2017, Bộ KH&CN ban hành tiêu chuẩn quốc gia “Viet GAP” trồng trọt.
Từ tháng 7/2016, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã thực hiện Dự án “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc Việt Nam”, với thời gian triển khai đến tháng 7/2021.
Với mong muốn xúc tiến bán hàng, đưa sản phẩm cây trồng an toàn đến với thị trường, dự án giúp hỗ trợ người nông dân quảng bá, tiếp thị tới các đơn vị thu mua và NTD. Dự án tổ chức sự kiện kết nối người sản xuất với các đơn vị thu mua, tổ chức sự kiện nâng cao nhận thức về cây trồng an toàn tới NTD; đồng thời tổng kết các hoạt động từ sản xuất đến thực hiện các sự kiện và phân tích các ví dụ tốt, rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng vào các hoạt động tiếp theo.
Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ khả năng cung cấp thông tin của các tỉnh – cơ quan thực hiện kiểm tra cây trồng an toàn và các cơ quan trung ương – cơ quan thiết lập những quy định liên quan đến cây trồng an toàn.
Phó giám đốc Công ty TNHH MTV rau củ an toàn Thanh Hà, Phạm Thị Huyền Trang chia sẻ:
“Trước đây, công ty cũng canh tác được một số cây trồng, nhưng đơn vị muốn mở rộng quy mô, cũng như hệ thống hóa việc sản xuất. Từ các chuyên gia đến từ Nhật Bản, chúng tôi không chỉ học được cách canh tác cây trồng, mà còn học được cách dựng nhà kính trồng rau.
Nhờ vào nhà kính, chúng tôi có thể canh tác rau quả quanh năm. Hiện nay, chúng tôi tập trung chăm sóc khoảng 100 loại rau ăn lá, cả năm thu hoạch được 1.300 tấn rau, quy mô bán hàng mở rộng, sản phẩm được bán ở cả những đại siêu thị như Big C, AEON...”.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giúp tăng năng suất sản phẩm
Bà Trang cho biết, trước khi tham gia dự án, DN chỉ có 10 người. Tới nay, tính cả các nông dân theo diện hợp đồng và lao động ngắn hạn, DN đã có tới 59 người.
“Khi tham gia dự án, mặc dù hằng ngày đều phải ghi chép nhật ký sản xuất, nhưng tôi không hề cảm thấy phiền vì nó đã trở thành một thói quen. Không chỉ thực hiện canh tác theo quy trình GAP, chúng tôi còn chú trọng khâu thị trường, giới thiệu và quảng bá sản phẩm rau an toàn. Từ nay về sau, cùng với việc tăng lượng nhà kính, lên chiến lược cho cây trồng trái vụ, chúng tôi đang nghĩ tới việc tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất”, bà Trang nói.
Nhiều nhà nông tham gia dự án cũng cho hay, dự án giúp cây trồng được nâng lên rõ rệt về chất. Không chỉ dựa vảo trực giác, họ đã học được nhiều kỹ thuật trồng trọt, nhất là kỹ thuật ghép, kỹ thuật canh tác và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý.
Điều làm họ vui mừng đó là có thể mở rộng kênh phân phối tới các đại siêu thị, thậm chí còn nghĩ đến chuyện mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.
Tăng cường độ tin cậy
Theo Trưởng phòng Thu mua - Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco Nguyễn Thị Nguyệt:
“Ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn của Viet GAP, chúng tôi còn xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn của riêng DN. Đơn vị đang bán ra các loại nông sản đạt chuẩn, đã qua kiểm tra chất lượng. Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt các quy định thông qua việc kiểm tra lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng tồn dư, kiểm định việc có hay không xử lý rau củ quả trước khi đưa đến NTD”.
Đối với các điểm sản xuất vệ tinh, VinEco thường tiến hành khảo sát quy mô lớn, kiểm tra định kỳ đột xuất từ nhật ký sản xuất, điều kiện an toàn vệ sinh nơi sản xuất, sơ đồ bố trí cây trồng, biển hiệu đến kiểm định chất lượng cây trồng định kỳ để xem các cơ sở có đảm bảo việc trồng rau an toàn hay không.
“Điều mà VinMart hướng tới là trở thành “Nơi an tâm mua sắm” cho NTD. Thương hiệu VinEco đã lấy được lòng tin của khách hàng, nhờ đó, doanh thu từ cây trồng cũng tăng lên. Từ nay về sau, ngoài việc đa dạng hóa chủng loại cũng như lượng sản phẩm bán ra cho thị trường trong nước, chúng tôi mong muốn sẽ xuất khẩu rau củ sang thị trường châu Á như Hàn Quốc hoặc tiến đến thị trường châu Âu”, bà Nguyệt nêu.
Chị Vũ Thị Nhàn, một NTD ở Hà Nội cho biết:
“Tôi thực sự quan tâm và bắt đầu mua sản phẩm từ cây trồng an toàn từ 5 năm trước. Sản phẩm nông sản từ cây trồng an toàn có giá cao hơn loại sản phẩm mua ngoài chợ, nếu không đến cửa hàng chuyên cung cấp thì không thể mua được. Dù không phải lúc nào cũng vậy, nhưng thông thường mỗi tuần 1 lần tôi mua rau và hoa quả an toàn cho gia đình.
Khi mua, tôi rất coi trọng nhãn hiệu, nơi sản xuất và nhà sản xuất. Vì nhiều loại rau an toàn được dán nhãn cũng như logo chuyên biệt nên rất dễ tìm trong các siêu thị. Từ nay về sau, tôi vẫn sẽ tiếp tục mua sản phẩm từ cây trồng an toàn”.
Trong quá trình khảo sát dự án cho thấy, hầu hết NTD không tin vào giấy chứng nhận của nhà sản xuất. Và thực tế, theo JICA, nhiều đơn vị sản xuất cho biết, có rất nhiều người mua là các DN đến đặt vấn đề với người sản xuất, nhưng sau đó không ký hợp đồng hoặc là lấy số lượng rất ít để trộn lẫn với sản phẩm không có giấy chứng nhận an toàn.
Điều này, xảy ra rất phổ biến. Bên cạnh đó, những đơn vị được JICA khảo sát cho biết, kể cả họ có chứng nhận VietGAP hay là các chứng nhận khác, song việc kiểm tra và giám sát thường xuyên từ các đơn vị cấp giấy chúng nhận cũng rất hạn chế.
Do đó, JICA cho biết, dự án của họ thực hiện với mục đích tạo lòng tin, tăng cường lòng tin giữa người sản xuất và người mua ngoài việc có giấy chứng nhận là quan trọng, JICA khuyến nghị các nhà sản xuất sẽ gặp người mua, có thể mời người mua đến thăm vùng sản xuất.
Hoặc người sản xuất đến gặp trực tiếp người mua để trao đổi, thảo luận... Điều đó, sẽ làm tăng sự tin tưởng lẫn nhau và như vậy có thể xây dựng được những mối cung ứng đáng tin cậy và bền vững.
An toàn thôi chưa đủ
Để sản phẩm đến được tay NTD, sản phẩm tốt thôi là chưa đủ, cần phải trải qua nhiều khâu đoạn. Đại diện cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản sạch Safefood24h cho biết:
“Nếu thông tin về sản phẩm an toàn không đầy đủ, sẽ rất khó để nâng cao độ tin cậy của NTD với các sản phẩm an toàn. Do vậy, nâng cao nhận thức của NTD thông qua các chương trình truyền thông là điều cần thiết.
Trong tương lai, công ty chúng tôi có kế hoạch tổ chức các tour tham quan dành cho NTD đến vùng sản xuất. Về mảng cung ứng, chúng tôi nghĩ, cần thiết phải tìm kiếm phương án vận chuyển hợp lý để giảm giá thành và tránh việc trà trộn sản phẩm không an toàn”.
Công ty TNHH Syun, chuyên bán buôn thực phẩm cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong kinh doanh nông sản an toàn là được NTD tin tưởng. Công ty yêu cầu người sản xuất phải cung cấp các chứng nhận an toàn và thường xuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm tại vùng sản xuất nhằm khẳng định độ an toàn.
Công ty DV TM XNK Oshitsu Việt Nam chia sẻ: “Nhằm tránh việc giảm chất lượng nông sản an toàn, công ty rất chú trọng khâu vận chuyển. Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề, ví dụ, sự phân vân của NTD và các nhà thu mua do không có định nghĩa phân biệt rõ ràng giữa nông sản an toàn và không an toàn. Nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, việc kinh doanh sản phẩm an toàn có tiềm năng lớn để phát triển”.
Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Yên Phú (Hưng Yên) Phạm Thị Chuyên nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất khi cung cấp sản phẩm an toàn chính là độ an toàn của sản phẩm. Tiếp theo, phải có dịch vụ vận chuyển chất lượng, giao hàng đúng hạn mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm”.
“Chúng tôi đang điều hành bếp ăn của trường mẫu giáo. Với mục đích dành cho các em nhỏ, chúng tôi muốn mua được các sản phẩm an toàn, mặc dù giá có thể đắt hơn sản phẩm thông thường.
Tuy nhiên, để có thể kinh doanh lâu dài, bên cạnh việc bảo đảm độ an toàn và chất lượng, bảo đảm giá cả phù hợp cũng là vấn đề cần quan tâm”, cô Chuyên nhìn nhận.
Anh Đức