Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần quen thuộc: Phần đọc hiểu (3 điểm): đề thi sẽ đưa ra một đoạn văn mẫu và từ đó đặt ra câu hỏi với độ khó được phân hóa theo từng câu, yêu cầu thí sinh giải quyết vấn đề được đặt ra từ đoạn văn bên trên.
Phần làm văn (7 điểm): gồm 2 câu, câu 1 làm văn về nghị luận xã hội, câu 2 làm văn về nghị luận văn học.
Buổi chiều, thí sinh dự thi môn Toán, kéo dài trong 90 phút dưới hình thức trắc nghiệm. Sáng 29/6, thí sinh làm bài thi trắc nghiệm môn tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), thời gian làm bài mỗi môn là 50 phút. Buổi chiều là thời gian làm bài trắc nghiệm môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút.
Đối với bài thi trắc nghiệm, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài, không được nộp bài thi trước khi hết giờ làm bài.
Thí sinh cần lưu ý các trường hợp bị đình chỉ để tránh mắc lỗi. Các lỗi bị đình chỉ thi bao gồm: Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi/phòng chờ hoặc di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi...
Theo quy định, thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi của kỳ thi năm đó.
Ngoài ra, trong hai ngày thi chính thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cùng phụ huynh cần lưu ý yếu tố thời tiết để đảm bảo việc đi lại, giữ gìn sức khỏe.
Chia sẻ về đề thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết kết quả của kỳ thi sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Mặt khác, theo thống kê, có trên 60% trường ĐH sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Với tính chất như vậy, định hướng đề thi sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu đồng thời chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp, là căn cứ để các cơ sở đào tạo ĐH sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.
Thiên Trường