Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 590/QĐ-KTNN ban hành Đề cương kiểm toán Chuyên đề việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 (NQ42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, các đơn vị được kiểm toán là Ngân hàng Nhà nước, việc kiểm toán nhằm đánh giá chức năng nhiệm vụ của cơ quan thanh tra giám sát này trong việc thực hiện NQ 42. Trong đó bao gồm việc việc ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện xử lý nợ xấu theo NQ42; công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện thu hồi nợ xấu theo NQ42. 

Sắp thực hiện kiểm toán việc xử lý nợ xấu tại 18 ngân hàng lớn - Hình 1

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng nằm trong danh sách kiểm toán lần này

Đánh giá về công tác phê duyệt triển khai phương án thực hiện xử lý nợ xấu theo NQ42; công tác tổng kết kết quả thực hiện; việc phối hợp với các đơn vị nhằm thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện;...

Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kết hợp đối chiếu tại 18 tổ chức tín dụng (TCTD) về công tác xây dựng phương án và tổ chức thực hiện NQ42; việc xử lý nợ xấu theo NQ42; thông qua kiểm toán một số hồ sơ xử lý nợ xấu cụ thể để làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chế độ thông tin báo cáo theo hướng dẫn của NHNN. 

18 TCTD này bao gồm: CB Bank, GP Bank, Eximbank, ACB, ABB, SeaBank, Techcombank, Bac A Bank, SHB, Sacombank, VPBank, HDBank, VietCapitalBank, Nam A Bank, OCB, VIB, Viet A Bank, Vietbank.

Ngoài ra, kiểm toán tại các TCTD và Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) về công tác xây dựng phương án và tổ chức thực hiện NQ42 đối với các đơn vị được chọn mẫu kiểm tra (VietinBank và BIDV); riêng đối với VAMC, Kiểm toán Nhà nước sẽ đánh giá thêm việc mua bán, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo được mua lại từ các ngân hàng.

 Hằng Vương