Tiền hậu bất nhất!
Theo thông tin PV nhận được từ nhiều hộ gia đình sinh sống dọc 2 bên bờ sông Kênh Xáng, xã Long Toàn và xã Dân Thành (Trà Vinh), tháng 8/2016, UBND thị xã Duyên Hải thu hồi phần diện tích đất để thực hiện dự án bồi thường GPMB thì diện tích của họ được đền bù thuộc đất sản xuất. Diện tích được bồi thường theo quyết định là 15 m tính từ bờ sông Kênh Xáng trở vào. Và kê biên bồi thường dự phòng thêm 15 m nếu sạt lở tiếp tục ăn sâu vào đất của người dân.
Cột điện cách bờ kênh cũ 30 m cũng bị nước sông cuốn trôi (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Nhưng đến nay, dự án bồi thường GPMB thuộc Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, Trà Vinh - hạng mục sạt lở Kênh Xáng đã được kê biên, bồi thường. Còn phần diện tích kê biên, bồi thường dự phòng là 15 m thì những hộ gia đình này không được bồi thường?
Người dân cho rằng bất nhất trong “Bảng chi tiết bồi thường hộ dân” Công trình Tiểu dự án bồi thường GPMB thuộc Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu. Theo đó, có 2 bảng chi tiết bồi thường được giao cho các hộ dân. Điều đáng nói, 2 bảng trên có cùng “số 2/BBAG-sạt lở sông Kênh Xáng-Long Toàn” nhưng số tiền kê biên bồi thường lại khác nhau.
Cụ thể, trường hợp anh Dương Văn Hiển (ấp Bào Sen, xã Long Toàn), bảng chi tiết bồi thường hộ dân số 2/BBAG-sạt lở sông Kênh Xáng-Long Toàn có diện tích 1458,9 m2, đơn giá 70.000 đồng. Tổng số tiền bồi thường là 228.346.000 đồng. Nhưng cùng với số bảng chi tiết bồi thường đó lại khác nhau hoàn toàn từ diện tích kê biên, đơn giá, số tiền. Số tiền bồi thường từ 228.346.000 đồng giảm xuống còn 202.616.000 đồng.
Sạt lở ngày càng “ăn sâu” vào chân cầu Kênh Xáng (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Tương tự, trường hợp anh Nguyễn Thành Chinh (ấp Giồng Giếng, xã Dân Thành) cùng bảng chi tiết bồi thường hộ dân số 03/BBAG-sạt lở sông Kênh Xáng-Dân Thành. Bảng thứ nhất, anh Chinh được bồi thường 656.754.000 đồng, bảng thứ hai số tiền bồi thường là 850.301.600 đồng.
Hàng trăm công đất trôi sông
Người dân cho biết, họ là những hộ dân sinh sống dọc sông Kênh Xáng (đoạn thuộc địa phận xã Long Toàn) bị ảnh hưởng nặng nề của nạn sạt lở. Nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào từ 15 - 20 m, thậm chí một số vị trí sạt lở tới 30 m khiến người dân lo lắng.
Dọc sông Kênh Xáng, những cây cột điện, bờ vuông tôm, cây trồng đã “dầm mình” dưới nước sông… Nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề của sạt lở.
Chỉ tay về phía con sông, anh Dương Văn Hiển (ấp Bào Sen, xã Long Toàn) nói, trước đây gia đình anh canh tác, ao nuôi tôm nằm gần chiếc ghe đang giăng lưới. Sau này, khi nước từ ngoài kênh Quan Chánh Bố đổ vào, cuốn mất nhiều công đất mỗi năm, gia đình anh buộc phải di chuyển nhà cũ vào sâu bên trong khu đất.
Từ đầu sông Kênh Xáng xuôi về (đoạn giáp với sông Long Toàn) đến Dự án kênh Quan Chánh Bố là cảnh rừng đước đổ ngổn ngang. Chị Nguyễn Thị Thuỷ (ấp Thống Nhất, xã Long Toàn) nhà ở cạnh bờ sông còn sót lại những rặng cây mé sông cho biết: “Mỗi khi tàu lớn đi qua, là mỗi lần nơm nớp lo sợ vì sóng đánh vào bờ, lở hàng cây, ăn sâu vào ao tôm”.
Nhiều điểm trên kênh Xáng sạt lở vào đến 30 m (Ảnh: Nguyễn Lánh)
Căn nhà của gia đình cất trước đây cách bờ khoảng 50 m, do sóng dâng cao gây sạt lở buộc Nhà nước phải di dời, nhiều công đất trồng chuyên canh rau màu của gia đình bị nước sông cuốn trôi gần phân nửa. Nay gia đình chị luôn sống trong cảnh phập phồng lo sợ vì tuyến bờ sông đang đứng trước nguy cơ sẽ cuốn trôi tài sản, nhà cửa của gia đình.
Cách đó không xa là nhà chị Thạch Thị Minh Suy (ấp Cồn Ông, xã Dân Thành) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Sóng khoét sâu vào bờ sông tạo thành nhiều “hàm ếch”, cả ngàn cây trồng bảo vệ tuyến kênh gần 20 năm tuổi bị cuốn trôi. “Gắn bó với vùng đất ven biển từ lâu nên mỗi khi thuỷ triều lên là sóng nước cuốn mất nhiều công đất nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn” chị Suy nói.
Theo ghi nhận của PV, tại các điểm thi công thuộc các xã Long Toàn, Long Khánh, Dân Thành…, nhiều đoạn đê bao chỉ đắp tạm bợ. Mặc khác, nhiều đoạn đê còn để hở làm đất chảy tràn ra kênh xáng, gây ô nhiễm nguồn nước rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc lấy nước vào ao đầm nuôi.
Theo tìm hiểu, Dự án kênh đào Quan Chánh Bố là một trong những công trình trọng điểm của quốc gia, nhằm mở rộng luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng. Trong quá trình thi công, có hơn 1.300 hộ dân ở 2 huyện Duyên Hải và Trà Cú đồng tình ủng hộ. Hơn 1.000 ha đất mặt bằng đã được bà con bàn giao cho công trình một cách nhanh chóng. Thế nhưng, theo người dân phán ánh, có sự khuất tất trong đền bù GPMB.
Nguyễn Lánh - Hải Dương