Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Dự thảo nêu rõ 2 nhiệm vụ và giải pháp: "giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước" và xây dựng "các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội".
Việc giảm lệ phí trước bạ được kỳ vọng sẽ giảm giá mua ô tô khi đến tay người tiêu dùng
Trước đó, Bộ Công thương cũng nêu kiến nghị tương tự lên Chính phủ về việc giảm 50% phí trước bạ cho ôtô. Trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) hôm 20/3 cũng có văn bản gửi Chính phủ và các Bộ, đề xuất giảm 50% thuế TTĐB ôtô và phí trước bạ cho khách hàng mua xe.
Đề xuất giảm 50% phí trước bạ, nếu thành hiện thực, không giúp giảm giá xe nhưng giảm chi phí để lăn bánh một mẫu ôtô mới. Bởi, để lăn bánh một mẫu ôtô mới, người mua cần thêm nhiều khoản phí khác như: phí trước bạ (10-12% giá xe niêm yết), phí đăng kiểm, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí ra biển số. Giá xe càng cao, phí trước bạ càng lớn.
Hiện nay, mức thu lệ phí trước bạ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Con số có thể điều chỉnh tăng nhưng tối đa không quá 50% quy định chung, tức không vượt ngưỡng 15%. Hiện nay, lệ phí trước bạ đối với ôtô con tại Hà Nội là 12%. TPHCM, Đà Nẵng 10%.
Xe bán tải từ tháng 4/2019 có lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu ôtô con. Ở lần nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi, mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Nếu đề xuất thành hiện thực sẽ gây chênh lệch lớn giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu, vì xe nhập không được ưu đãi. Việt Nam không phải nước duy nhất áp dụng hình thức này, Myanmar cũng có chính sách tương tự.
Vương Hằng