Các đại biểu tại buổi lễ ký kết
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thông qua hoạt động giám sát, phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách và quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và sự đồng thuận xã hội về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: Phát triển giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là yêu cầu và là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế đất nước nhanh và bền vững. Việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã có bước chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Mẫn cũng chỉ ra rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi đang ở mức báo động; biến đổi khí hậu đã và đang để lại những hậu quả nặng nề đến sản xuất và đời sống nhân dân cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của một số cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể, doanh nghiệp và một bộ phận nhân dân chưa thật đầy đủ; công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành còn thiếu chặt chẽ, chưa phát huy được vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh: Chương trình ký kết ngày hôm nay, khẳng định sự tăng cường phối hợp giữa MTTQ Việt Nam và các cơ quan Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về phát triển giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước đáp ứng yêu cầu của các tầng lớp nhân dân.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng suy thoái, cạn kiệt đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các thành quả của các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Với những thực tế trên đã đặt ra cho chúng ta một yêu cầu cấp thiết, cần có ngay các giải pháp hiệu quả chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. "Đây là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa, vai trò hết sức to lớn, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo đó, Chương trình Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 - 2019 đã phân công cho Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới. Cụ thể:
Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Y học Việt Nam xây dựng kế hoạch giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 – 2019.
Tổ chức triển khai kế hoạch phối hợp giám sát; lựa chọn địa bàn, đối tượng, hình thức phù hợp để xây dựng mô hình phối hợp giám sát; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, chuyên viên, chuyên gia tham gia giám sát; chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở Trung ương và địa phương, phối hợp với các đoàn giám sát trong quá trình thực hiện chương trình, kế hoạch; xem xét xử lý kịp thời những hành vi vi phạm được phát hiện; biểu dương, khen thưởng những cơ sở có thành tích theo quy định của pháp luật.
Thanh Bình