Ngày 3/10, tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã chủ trì cuộc họp với Cục Đường thủy nội địa và các vụ, cục, các đơn vị liên quan về xây dựng Đề án lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng AIS và trang bị VHF trên phương tiện thủy nội địa.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa cho biết, vận tải thủy nội địa là lĩnh vực được phát triển từ rất sớm, có nhiều ưu điểm nổi trội về khối lượng vận tải hàng hóa, tính kinh tế cao và ít gây ô nhiễm môi trường.
Việc triển khai đề án - sẽ đạt được các mục tiêu cụ thể: Lắp đặt thiết bị AIS và VHF trên các phương tiện thủy nội địa; tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp tham gia vận tải thủy; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong vận tải thủy, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.
Đề án thành công - sẽ tạo điều kiện hiện đại hóa quản lý, khai thác vận tải thủy theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững.
Nguyên lý vận hành của thiết bị AIS và VHF
Nội dung đề án tập trung đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng vận tải thủy nội địa Việt Nam; tổng quan về hệ thống phục vụ quản lý hành trình và thiết bị thông tin liên lạc VHF phương tiện thủy. Từ đó, đề xuất phương án lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động và VHF trên phương tiện thủy nội địa và tổ chức thực hiện lắp đặt, khai thác hệ thống AIS sau khi đề án được phê duyệt.
Theo Cục Đường thủy nội địa, việc tăng cường năng lực cho vận tải thủy, tăng năng lực chuyên chở, hiện đại hóa đội tàu vận tải, tăng cường công tác quản lý nhà nước về vận tải thủy nội địa là con đường duy nhất để hiện đại hóa và phát triển vận tải thủy nội địa.
Việc lắp đặt thiết bị tự động nhận dạng trên phương tiện thủy nội địa, không chỉ mang lại những lợi ích to lớn trong công tác quản lý nhà nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc ứng dụng những công nghệ nhằm hiện đại hóa đội tàu sông Việt Nam, mở đường cho vận tải thủy phát triển đáp ứng nhu cầu hội nhập với thế giới và khu vực.
AIS (Automatically Identification System) là một hệ thống thông tin liên lạc trợ giúp hàng hải, cho phép các tàu trao đổi những thông tin về nhận dạng vị trí, hướng, tốc độ với nhau hoặc trao đổi với các trạm trên bờ. Những thông tin này giúp các phương tiện hàng hải tránh bị va chạm với nhau, ngoài ra có thể trao đổi các thông tin như trợ giúp khi có sự cố, thông tin thời tiết... Khi kết hợp AIS với một thiết bị thông tin liên lạc khác, AIS còn được ứng dụng trong các trường hợp khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn trên biển. AIS hoạt động trên băng tần VHF hàng hải dùng để nhận biết thông tin giữa phương tiện thủy có trang bị AIS và các đối tượng bên ngoài trong phạm vi phủ sóng VHF. AIS cho phép các phương tiện thủy chủ động chia sẻ thông tin của mình với các phương tiện, đài thông tin duyên hải (TTDH) hoạt động trong khu vực lân cận, các trạm VTS – Base Transceiver Station và cơ quan quản lý hàng hải. |
Hưng Khánh