Hộ kinh doanh nhỏ lẻ (Ảnh minh hoạ)
Theo đó, đơn vị này dự kiến phân loại hộ kinh doanh dựa theo quy mô, ngành nghề để tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.
Cụ thể, sẽ phân loại hộ kinh doanh quy mô lớn để áp dụng hình thức quản lý thuế phù hợp, như áp dụng chế độ kế toán đơn giản tương ứng với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; áp dụng chế độ hóa đơn điện tử, khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử.
Mục tiêu là để hạn chế tối đa sự lợi dụng mô hình hộ kinh doanh nhằm mục đích trốn thuế, tạo khuôn khổ pháp lý về thuế thúc đẩy hộ kinh doanh quy mô lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Tiếp theo, sẽ phân loại hộ kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ có giao dịch thanh toán bằng tiền mặt với người tiêu dùng, để áp dụng các biện pháp không dùng tiền mặt trong giao dịch kinh doanh bán lẻ, nhà hàng, cửa hàng dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí...
"Trên cơ sở đó cần có biện pháp quản lý đối với việc bán hàng phải xuất hoá đơn, hoặc thanh toán không dùng tiền mặt, nhằm đẩy mạnh sử dụng hoá đơn điện tử, kết nối thông tin doanh thu bán hàng thông qua máy tính tiền hoặc các thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán", Bộ Tài chính cho biết.
Tiếp đó, sẽ phân loại hộ kinh doanh quy mô nhỏ để áp dụng hình thức thuế khoán, tăng cường tính minh bạch, tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức có liên quan trên địa bàn.
Với hộ kinh doanh có quy nhỏ, mục đích là để hạn chế tối đa việc khoán thuế không sát thực tế, hạn chế tối đa việc phát sinh thỏa thuận ngầm giữa hộ kinh doanh và cán bộ thuế gây bất bình trong xã hội.
Cũng theo Bộ Tài chính, cho đến nay hộ kinh doanh vẫn đang là chủ thể có đóng góp lớn trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước, trên 30% GDP.
Theo số liệu quản lý thuế năm 2017, thì số hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên là 102.095 hộ, nhiều hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn thường xuyên có doanh thu lên đến vài trăm tỷ đồng/năm, nhiều hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù không phù hợp với mô hình hộ khoán như: Kinh doanh hóa chất; vật tư và thiết bị y tế; máy móc thiết bị xây dựng; vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản...
Đơn vị này cho rằng, mặc dù với sự phát triển và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng số thu từ thuế của hộ kinh doanh lại chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng thu ngân sách nhà nước. Theo số liệu năm 2017 là 1,56% trong tổng thu ngân sách nhà nước không kể dầu thô.
"Đây là lĩnh vực được đánh giá thất thu về đối tượng, nên rất cần phải có giải pháp để mở rộng cơ sở thuế, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước nhưng không tăng thuế, làm ảnh hưởng đến những hộ kinh doanh đang quản lý", Bộ Tài chính lý giải.
Với thực trạng phát triển của hộ kinh doanh như vậy nhưng theo Bộ Tài chính, khung pháp luật về hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ và tổ chức quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan còn nhiều bất cập.
Ví như, chưa có tiêu thức để phân loại hộ kinh doanh để phục vụ công tác quản lý thuế; chưa có biện pháp để giám sát doanh thu đối với những hộ kinh doanh trong một số ngành nghề đặc thù; chưa có cơ sở dữ liệu đồng bộ phục vụ công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh; chưa có giải pháp để khuyến khích người dân lấy hoá đơn từ các hộ kinh doanh...
Từ đó, để khắc phục những bất cập nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật quản lý thuế theo hướng cải cách công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh để tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy hộ kinh doanh quy mô lớn chuyển thành doanh nghiệp, mở rộng cơ sở thuế đối với thành phần kinh tế cá thể.
Thanh Bình