Đến ngày 31/7 vừa qua, Bộ GTVT đã xử lý bất cập về giá của 4 dự án với 5 trạm thu giá gồm dự án xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình; dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà; dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh, trạm Cầu Rác; dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nam Bến Thuỷ đến tuyến tránh Hà Tĩnh.
Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 trong đó có nội dung “rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải” và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc điều chỉnh giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ GTVT, các Nhà đầu tư dự án BOT đã nghiêm túc rà soát, đàm phán để điều chỉnh giá được 35 dự án; 27 dự án có mức vé thấp hơn mức bình quân; 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn so với phương án tài chính.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ GTVT đã giao các đơn vị liên quan thực hiện nghiên cứu ở tất cả các trạm BOT trên phạm vi cả nước; làm việc với các tỉnh, doanh nghiệp đầu tư và các giải pháp xử lý các trạm thu phí BOT sẽ được đưa ra dựa trên kết quả của các đợt khảo sát và làm việc này.
Bộ Giao thông Vận tải đã xử lý bất cập về giá thông qua việc giảm mức phí và thời gian thu hàng loạt dự án BOT
Ông Nhật nhấn mạnh, phương án xử lý sẽ không thể làm riêng lẻ ở một hoặc hai trạm thu phí BOT, mà phải được xử lý một cách bài bản, căn cơ. Ông giải thích, nếu xử lý riêng lẻ từng trạm thì xử lý được trạm này nhưng những vướng mắc ở các trạm khác không được giải quyết triệt để.
"Do đó, phải xử lý tổng thể trên phạm vi toàn quốc, chứ không xử lý riêng lẻ một trạm nào cả”, ông Nhật cho biết.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia dự án xây dựng phương án giảm giá, đề xuất Bộ GTVT chấp thuận đối với 5 dự án với 4 trạm thu phí; cụ thể gồm: Dự án đầu tư xậy công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1063+877-Km1092+577, tỉnh Quảng Ngãi; Dự án xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Đồng Hới; Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn Km672+600-Km704+900, tỉnh Quảng Bình; Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549-Km605+000 và đoạn Km617+000-Km641+000, tỉnh Quảng Bình; Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức BOT.
Để tiếp tục xử lý các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ, Bộ GTVT yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh Thông tư 35/2016/TT-BGTVT để phù hợp với thực tế các dự án BOT đang triển khai.
Các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ nghiên cứu đề xuất của Tổng cục Đường bộ để tham gia ý kiến, xây dựng phương án giải quyết các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT, báo cáo Bộ xem xét, quyết định.
Bộ GTVT cũng giao các Ban quản lý dự án chỉ đạo nhà đầu tư quyết toán công trình để tính toán lại phương án tài chính, giảm giá dịch vụ trên cơ sở đảm bảo khả thi về phương án tài chính của các dự án; giá phí trên cùng tuyến đường phải có mức tương đồng; ưu tiên giảm mức tăng phí đối với những dự án có mức tăng phí cao cho phù hợp với chỉ số CPI và mức lạm phát trong thời điểm hiện nay.
Ngọc Linh