Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách, sáng ngày 24/7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách, sáng ngày 24/7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được thực hiện quyết liệt với nhiều đổi mới. Thể chế, chính sách về đầu tư công được hình thành, ngày càng hoàn thiện, tạo khung khổ pháp lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương (NSTW), hoàn trả một phần số ứng trước kế hoạch vốn NSTW, kiểm soát chặt chẽ việc ứng trước kế hoạch vốn hằng năm. Đã đổi mới công tác kế hoạch hóa với tầm nhìn trung hạn, cơ cấu đầu tư công chuyển biến tích cực; phân bổ vốn đầu tư công tuân thủ thứ tự ưu tiên, bảo đảm hài hòa giữa các vùng, miền. Đẩy mạnh ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, góp phần bảo đảm công khai, minh bạch.

Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công từng bước được cải thiện, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, manh mún, số dự án đầu tư công giảm một nửa so với giai đoạn 2011-2015, góp phần quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư ngoài nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công điều chỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; trình tự, thủ tục còn phức tạp; việc bố trí vốn mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn dàn trải, chia cắt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch. Phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cá nhân chưa được rõ ràng; cân đối vốn NSTW cho đầu tư không đạt mục tiêu đề ra. Chất lượng kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, có nơi còn mang tính hình thức, chủ quan, chưa gắn với thực tiễn và quy định pháp luật, thời gian thực hiện kéo dài…

Mục tiêu của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại đầu tư công theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư công trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội, xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, hoàn thiện cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng trong nhiệm kỳ nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 90%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.

Theo đó, dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng mức vốn ngân sách nhà nước thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.870 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 1.500 nghìn tỷ đồng vốn NSTW (trong đó 1.200 nghìn tỷ đồng vốn trong nước, 300 nghìn tỷ đồng vốn nước ngoài) và 1.370 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Tăng cường thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm vi phạm

Về các giải pháp thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trọng tâm là bảo đảm nguồn lực ngân sách Nhà nước cho đầu tư tối thiểu là 2.870 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn NSTW là 1.500 nghìn tỷ đồng; tăng cường triển khai quyết liệt hơn nữa Luật Đầu tư công, đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm; kiên quyết cắt giảm thủ tục không cần thiết, giao dự toán, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu; rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công và các luật pháp có liên quan; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nghiên cứu sớm có quy định pháp luật phù hợp đối với việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Tiếp tục đơn giản hóa cao nhất về trình tự, thủ tục; tăng cường thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.

Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh. Kiên quyết cắt giảm số lượng, kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn, bảo đảm mục tiêu, hiệu quả, tính liên tục trong đầu tư công. Tập trung rà soát, cương quyết loại bỏ những dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, kém hiệu quả, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, bảo đảm phù hợp với thực tế, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án.

Đặc biệt, kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm.

Hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia

Theo đó, dự kiến kết quả đạt được sẽ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng thông tin, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông; đường vành đai 3, vành đai 4 khu vực động lực Hà Nội, TP. HCM; tuyến nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, đầu tư hạ tầng cho phát triển vùng khu vực miền núi phía Bắc, các công trình đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; hành lang kinh tế Đông-Tây; sửa chữa nâng cấp, xây dựng các hồ chứa nước, các công trình thuỷ lợi trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân vùng khan hiếm nước, hoàn thành 84 dự án kết nối liên vùng, dự án lan tỏa, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, vừa gia tăng động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh...

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất các trường Đại học quốc gia, đại học có tính liên ngành, các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao góp phần phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ quản lý, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4 và G20; nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tạo những sản phẩm công nghệ lõi để làm chủ công nghệ, dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo.

 Theo CP