Siết chặt quản lý xe đạp điện: Bảo đảm an toàn giao thông và môi trường - Hình 1

Để giải quyết bài toán xe đạp điện, Cục Đăng kiểm đã đưa ra đề xuất sửa quy định trong Luật GTĐB đối với xe đạp điện 

Trao đổi với báo giới, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng trong vài năm gần đây, xe đạp điện tăng trưởng rất nhanh chóng (do không phải đăng ký nên không có chính xác số lượng xe đạp điện hiện trong lưu hành). Việc phát triển xe đạp điện đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, trong đó lớn nhất là bảo đảm ATGT và môi trường.

Do loại xe này không phải đăng ký quản lý khi lưu thông nên một số xe đạp điện trên thị trường hiện nay không có nguồn gốc rõ ràng (sản xuất lắp ráp lậu, không giấy chứng nhận chất lượng), có những thông số kỹ thuật vượt quá quy định trong quy chuẩn (trong lượng lớn hơn 40 kg, động cơ điện vẫn hoạt động khi tốc độ có thể lên tới 40 km/h hoặc hơn)... trở thành xe cơ giới, rất nguy hiểm cho cả người sử dụng và cộng đồng và thực tế đã có rất nhiều TNGT liên quan tới xe đạp điện.

Tại Hà Nội và Tp.HCM, trong những năm gần đây, học sinh cấp III chiếm tới 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em, tỉ lệ thiệt mạng do TNGT của học sinh cấp III tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39/100.000 học sinh, cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình trong khu vực châu Á. Mức rủi ro tử vong do TNGT ở trẻ em tại TP.HCM cao gấp 3 – 4 lần mức rủi ro trung bình của người dân thành phố; cao gấp 8-9 lần trẻ em cùng nhóm tuổi ở các nước OECD. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý các pin không còn sử dụng cũng đang đặt ra lo ngại lớn về ô nhiễm môi trường và đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ hơn về thu gom, tái chế để bảo vệ môi trường. Do đó, ông Minh khẳng định đề xuất tăng cường các giải pháp quản lý xe đạp điện là hết sức cần thiết.

Để giải quyết bài toán xe đạp điện, Cục Đăng kiểm đã đưa ra đề xuất sửa quy định trong Luật GTĐB đối với xe đạp điện và coi phương tiện này là phương tiện cơ giới để phục vụ quản lý phương tiện, quản lý lưu thông, hạn chế TNGT… Cụ thể, Cục đề xuất xem xét cấp biển số cho xe đạp điện đồng thời bổ sung quy định giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện).

Lý giải về đề xuất này, Cục cho rằng hiện nay có rất nhiều xe thực tế là máy điện nhưng trá hình xe đạp điện để không phải thực hiện việc đăng ký biển số gây khó khăn cho công tác quản lý của các bộ/ ngành liên quan và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Việc đăng ký cho xe đạp điện sẽ thống nhất cách thức quản lý đối với xe điện hai bánh nói chung. Bên cạnh đó, việc quy định về giấy phép lái xe sẽ tăng cường giáo dục luật pháp về giao thông đối với các đối tượng điều khiển xe gắn máy (chủ yếu là học sinh trung học), góp phần hạn chế tai nạn giao thông tuổi học đường.

Cùng quan điểm, đại diện Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT cho rằng, quy định xe hai bánh sử dụng điện thành xe đạp, xe máy và môtô điện hiện nay là bất hợp lý nên cần sửa luật để chỉ nên phân loại thành xe máy điện và môtô điện. Nếu đề xuất này được thông qua, xe đạp điện sẽ bị quản lý như xe máy (dùng xăng) có phân khối dưới 50cc để người điều khiển phải trang bị, tuân thủ quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm.

Theo Quy chuẩn Việt Nam số 68:2013/BGTVT của Bộ Giao thông vận, xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và có khối lượng bản thân không lớn hơn 40 kg.

Bên cạnh việc sửa luật, ông Trần Hữu Minh cho rằng còn phải có những quy định chặt chẽ hơn về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng sản phẩm, các quy định về độ tuổi và kỹ năng của người sử dụng, phạm vi sử dụng và xử lý vi phạm hiệu quả... 

Khi đã có quy định hợp lý, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, và đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra xử phạt đối với các hành vi vi phạm phổ biến với xe đạp điện như xe không đạt quy chuẩn kỹ thuật, vi phạm về độ tuổi, vi phạm các quy tắc khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm...

Ngoài ra, cần sớm có quy định và triển khai quy định về đào tạo và cấp chứng chỉ cơ bản điều khiển xe đạp điện (và xe máy điện) với những học sinh độc lập điều khiển phương tiện này. Cuối cùng là tăng cường nhận thức cho phụ huynh về nguy hiểm trong sử dụng xe đạp điện trước khi giao xe cho con em.

Hằng Vương (T/h)