Phó Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn
Cụ thể, chiều 21/05/2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp với Bộ Y tế về việc triển khai Hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thuốc quốc gia. Việc triển khai hệ thống nhằm thực hiện một trong nhiều nội dung của Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Trong đó, đối với hệ thống phân phối thuốc phải “tập trung quản lý hệ thống bán buôn, bán lẻ, các nhà thuốc trong và ngoài bệnh viện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để truy xuất nguồn gốc thuốc, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, đến nay, hệ thống đã cập nhật, chuẩn hoá trên 52.000/60.000 danh mục thuốc y tế; tích hợp 2 nền tảng quản lý nhà thuốc GPP cho phép kết nối với các phần mềm nhà thuốc khác, đảm bảo quản lý bán hàng, thống kê, báo cáo cho các nhà thuốc; kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc mua vào bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc; liên thông dữ liệu hàng ngày lên hệ thống.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị hệ thống phải đáp ứng được mọi yêu cầu hoạt động của nhà thuốc kể cả việc đưa ra dự báo tham khảo về lượng thuốc tiêu thụ trong thời gian tới để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của nhà thuốc. Đồng thời, cần quán triệt việc thực hiện quản lý liên thông các nhà thuốc không phải là thí điểm về chủ trương mà ngành y tế làm trước ở một số địa phương để rút kinh nghiệm, hoàn thiện phần mềm trước khi triển khai toàn quốc.
Bên cạnh đó, ngành y tế, các địa phương phải nghiêm túc quyết liệt, xử lý nghiêm những nhà thuốc không thực hiện nhưng đồng thời tập huấn kỹ, có tài liệu, video hướng dẫn chi tiết, cụ thể, không để bất cứ nhà thuốc nào không thực hiện với lý do không được tập huấn, hướng dẫn. “Cần khảo sát thực tế để có ứng dụng phù hợp với điều kiện hoạt động của các quầy thuốc, tủ thuốc ở khu vực nông thôn như kết nối bằng điện thoại di động thay vì máy tính”, Phó Thủ tướng lưu ý.
“Sau khi triển khai hệ thống trên toàn quốc ngành y tế phải quản lý được toàn bộ tình hình thuốc, chất lượng thuốc, đầu vào, đầu ra, giá cả. Đầu tiên và trước hết là công khai, minh bạch hoạt động ở bệnh viện, các nhà thuốc, tủ thuốc y tế ở trạm y tế, tiếp đến là phòng khám y tế tư nhân, tủ thuốc, quầy thuốc tư nhân. Còn người dân biết được ngay thuốc mình mua xuất xứ ra sao, còn hạn sử dụng hay không”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, ngành Y tế phải rà lại các thông tư trên tinh thần quản lý chặt chẽ việc bán thuốc, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, từng bước kết nối với với các phàn mềm bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử, quản lý bệnh viện, thanh toán bao hiểm y tế… chấn chỉnh tình trạng bán thuốc, dùng thuốc không theo đơn, không theo chỉ định của bác sỹ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh rất cao ở Việt Nam.
Bán thuốc không theo đơn là hành vi vi phạm pháp luật
Luật Dược năm 2016 quy định: Bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc là một trong các hành vi bị cấm; cơ sở kinh doanh dược có trách nhiệm chỉ được bán thuốc kê đơn tại cơ sở bán lẻ khi có đơn thuốc…
Ngoài ra, theo Quyết định 4041/QĐ-BYT của Bộ Y tế về "Phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 – 2020" với một trong những mục tiêu trọng điểm là đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc. Việc nhà thuốc mang thương hiệu An Khang, Big Family trên địa bàn TP. HCM tự ý tư vấn và bán thuốc kháng sinh, thuốc nằm trong danh mục “kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế” đặt cho khách hàng mà không cần đơn thuốc theo chỉ định của bác sỹ là trái với mục tiêu của Đề án trên.
Hơn nữa, từ ngày 15/11/2020, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực, thay thế hoàn toàn Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, khung xử phạt tăng rất nhiều.
Cụ thể, tại điểm đ, khoản 3, Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định: "Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi "bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc', đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tại điểm đ, khoản 8 điều này: "Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn 06 tháng đến 09 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm đ, khoản 3 điều này".
Đặc biệt, Điều 315 "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định:
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
Nhà thuốc An Khang, Big Family công khai vi phạm
Như Thương hiệu và Công luận đã thông tin, dù Sở Y tế Hà Nội vừa thu hồi giấy phép cửa nhiều nhà thuốc mang thương hiệu Big Family trên địa bàn vì kinh doanh dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn, tự kê đơn bán thuốc chữa bệnh, thuốc đặc trị có khuyến cáo “bán theo đơn”. Tuy nhiên, chuỗi nhà thuốc mang thương hiệu Big Family của Công ty cổ phần Thương mại Dược phẩm Big Family tại TP. HCM vẫn công khai "tự kê đơn", bán thuốc “đặc trị”, có khuyến cáo “bán theo đơn” mà không cần đơn thuốc theo chỉ định của bác sỹ, vi phạm những quy định của pháp luật.
Cụ thể, nhà thuốc Big Family Băng Tâm, số 207 Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 công khai bán thuốc xịt Ventolin và Sabumol 2Mg để bán cho người mua, mà không cần đơn thuốc theo chỉ định của bác sỹ. Đáng nói, thuốc Ventolin thuộc danh mục “thuốc kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế”, nên chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sỹ (các nhà thuốc chỉ được phép bán thuốc Ventolin, khi người bệnh có đơn thuốc được bác sỹ kê – PV).
Nhân viên của nhà thuốc này cũng vô tư giới thiệu, bán cho người mua các loại thuốc hỗ trợ sinh lý nam giới, như: Pycalis 20Mg, Siloflam 100, Viga New 20Mg, Viagra 100 Mg, Sìn Sú Ê Đê, Kẹo ngậm Hamer… Đáng nói, trên bao bì của những loại thuốc này đều ghi rõ khuyến cáo “Thuốc bán theo đơn”.
Tại nhà thuốc Big Family Thùy Trâm, 81 Hoàng Hoa Thám, phường 13, quận Tân Bình, cũng công khai bán các loại thuốc hỗ trợ sinh lý có tên “Ngựa Thái” và “Japan Tengsu” mà không cần tới đơn chỉ định của bác sỹ. Trên bao bì của 02 loại thuốc này không hề có tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt, phía bên trong hộp thuốc, cũng không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ.
Tương tự, tại nhà thuốc Big Family Phước Lan, số 433 Lê Quang Định, phường 5, quận Bình Thạnh, các loại “thuốc đặc trị”, thuốc có khuyến cáo “bán theo đơn” như: Roxithromycin, Colchicine, Meloxicam, Adagrin 50Mg, Welgra 100Mg cũng được công khai bán cho người mua, dù không có đơn thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
Có thể thấy, các loại thuốc có in khuyến cáo “thuốc bán theo đơn” là thuốc cần phải được bác sỹ kiểm soát liều lượng, thời gian và cách thức sử dụng, bởi dược tính mạnh. Nếu sử dụng không đúng chỉ định, thuốc có thể tác gây tác dụng phụ, ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh.
Việc các nhà thuốc Big Family bán các loại thuốc trên và thu tiền mà không cần tới đơn thuốc theo chỉ định của bác sỹ, có thể sẽ ảnh hưởng nghiệm trọng tới sức khỏe, tính mạng của người sử dụng, nếu như thuốc không được sử dụng đúng liều lượng, thời gian và cách thức sử dụng.
Cũng theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu và Công luận, tại Nhà thuốc An Khang (số 111 Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp), khi được hỏi mua hai loại thuốc Novofungin 250 mg và Flagyl 250 mg, thì nhân viên bán hàng tại đây lập tức bán cho phóng viên và thu tiền, mà không cần hỏi người mua có đơn theo chỉ định của bác sỹ. Dù trên bao bì của 02 loại thuốc này đều ghi rõ khuyến cáo “thuốc bán theo đơn” (phải có đơn chỉ định từ bác sỹ, thì các cửa hàng thuốc mới được phép bán cho người mua - PV).
Tương tự, tại Nhà thuốc An Khang số 278 Phạm Văn Chiêu, phường 9, quận Gò Vấp, khi được hỏi mua loại thuốc dành cho người bị bệnh Gout, thì nhân viên tại đây ngay lập tức lấy ra 02 hộp thuốc Rulid 150mg và Cocilone 1mg bán cho phóng viên và thu tiền, mà không cần hỏi về đơn thuốc của bác sỹ cũng như tình trạng của bệnh nhân thế nào. Theo quan sát, trên vỏ của 02 hộp thuốc này cũng ghi rõ khuyến cáo “thuốc bán theo đơn”.
Nghiêm trọng hơn, dù thuốc kháng sinh Levoquin 500 mg là loại thuốc có dược động học cao, chứa hoạt chất Levofloxacin nằm trong Phụ lục VII, Thông tư số 20/2017/TT-BYT của Bộ Y tế (nằm trong danh mục kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế), dùng để điều trị nhiễm khuẩn theo đơn chỉ định của bác sỹ…, nhưng không cần tới đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ, phóng viên vẫn có thể dễ dàng mua được loại thuốc này tại Nhà thuốc An Khang số 395 Lê Quang Định, phường 5, quận Bình Thạnh.
Khi bán, nhân viên cửa hàng này chỉ cho biết: “Đây là thuốc kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế, nên cho em xin tên với số điện thoại”. Ngoài ra không hỏi thêm bất cứ điều gì.
Thực trạng này cũng xảy ra tương tự tại Nhà thuốc An Khang số 1470 Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp. Chỉ cần trả tiền cho nhân viên, là phóng viên có thể mua ngay được thuốc Ventolin dạng ống. Đây là loại thuốc dùng cho cơn co thắt, hen phế quản, khó thở, cơn hen cấp, và phải có đơn thuốc theo chỉ định của bác sỹ, thì bệnh nhân mới được phép dùng.
Đặc biệt, trong thành phần của thuốc Ventolin có chất Salbutamol - nằm trong Phụ lục VII – Thông tư số 20/2017/TT-BYT của Bộ Y tế (nằm trong danh mục kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế).
Câu hỏi đặt ra là: Vì sao nhân viên Nhà thuốc An Khang biết rõ ràng đây là các loại thuốc thuộc danh mục “kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế”, bắt buộc phải có đơn chỉ định của bác sỹ mới được phép bán và sử dụng, nhưng vẫn vô tư bán cho người mua? Giả sử, nếu người bệnh mua về sử dụng mà xảy ra biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Việc công khai bán các loại thuốc trên mà không cần tới đơn chỉ định của bác sỹ thì các cửa hàng thốc An Khang có đang coi thường tính mạng người bệnh, bỏ ngoài tai những quy định của pháp luật?
Sở Y tế TP. HCM “im lặng” trước hành vi vi phạm pháp luật?
Sau quá trình ghi nhận thực tế nhiều ngày, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã phản ánh tới Sở Y tế TP. HCM về việc nhiều cửa hàng thuốc mang thương hiệu An Khang, Big Family trên địa bàn đang công khai bán thuốc cho khách hàng mà không cần tới đơn thuốc theo chỉ định của bác sỹ, dù trên vỏ hộp thuốc ghi rõ dòng chữ “thuốc bán theo đơn”.
Thậm chí, một số loại thuốc nằm trong danh mục “kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế” cũng được bán cho người mua, mà không cần tới đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ, có dấu hiệu coi thường tính mạng người bệnh, vi phạm nghiêm trọng những quy định của pháp luật.
Đồng thời, đặt lịch làm việc với Sở Y tế TP. HCM để làm rõ về công tác quản lý theo thẩm quyền, quy trình xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh thuốc. Tuy nhiên, đã một tháng trôi qua, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía cơ quan này.
Trước thực trạng trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu Sở Y tế TP. HCM có đang thực hiện triệt để công tác quản lý theo thẩm quyền? Giả sử, những cửa hàng thuốc An Khang, Big Family bán thuốc đặc trị, thuốc thuộc danh mục “kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế” cho người tiêu dùng sử dụng mà xảy ra biến chứng, ảnh hưởng tới tính mạng, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Khi mà Sở Y tế TP. HCM vẫn còn “im lặng”, thì ngoài kia những hộp thuốc đặc trị, thuốc thuộc danh mục “kiểm soát đặc biệt của Bộ Y tế” vẫn đang được nhiều cửa hàng thuốc An Khang, Big Family công khai thu tiền, bán thuốc, bỏ mặc những rủi ro có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người bệnh, nếu xảy ra biến chứng sau khi dùng thuốc.
Khoản 1, khoản 5, Điều 38 Luật Báo chí quy định rõ: Thứ nhất, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Thứ hai, cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường. Điều 39 Luật Báo chí cũng quy định về việc trả lời trên báo chí: Thứ nhất, người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Thứ hai, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết… Ngoài ra, việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính còn được quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định rất rõ về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. |
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Nguyễn Trung – Nguyễn Tùng