Được biết, đây là hai công trình thuộc dự án mở rộng và nâng cấp đô thị Việt Nam – Tiểu dự án TP. Sóc Trăng, được triển khai trong giai đoạn 2017-2023. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.056 tỷ đồng, trong đó vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới 35 triệu USD (tương đương 798 tỷ đồng), ngân sách Trung ương hơn 118,3 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh hơn 140 tỷ đồng. 

Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công cầu Vành đai 2
Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công cầu Vành đai 2.

Hai cầu này dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng sau 24 tháng thi công, đưa vào vận hành thông xe khoảng tháng 12/2023. Trong đó, theo thiết kế, cầu Vành đai 2 có chiều dài 273m, mặt cầu rộng 14m với 4 làn xe (2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 204,5 tỷ đồng, thời gian thi công 2 năm. Cây cầu giúp kết nối đường Vành đai 2 (phường 4) với đường Điện Biên Phủ (phường 8), đồng thời gắn kết với trục giao thông phát triển hướng đông.

Cầu Nguyễn Văn Linh có chiều dài 141m, rộng 14m, 04 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 110,5 tỷ đồng, thời gian thi công 2 năm. Cầu có cấu hình chữ Y, nhánh 1 nối với đường Nguyễn Văn Linh, nhánh 2 nối với đường Điện Biên Phủ và nhánh 3 nối về Thiền viện Trúc Lâm. Khi đưa vào sử dụng, cầu Nguyễn Văn Linh góp phần nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng của TP Sóc Trăng, tăng tính kết nối về phía Bắc và Nam bị chia cắt bởi sông Maspero.

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần tạo hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối các tuyến đường nội ô TP. Sóc Trăng với QL1, QL60.

Đồng thời, tạo điểm nhấn mỹ quan, thu hút khách du lịch khu vực Thiền viện Trúc Lâm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP Sóc Trăng nói riêng và của tỉnh Sóc Trăng nói chung.

Phong Vân