UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch triển khai, trong đó đặt mục tiêu: Phát triển đội ngũ doanh nhân tỉnh Sóc Trăng lớn mạnh về số lượng, chất lượng; có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh; làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển của tỉnh.
Thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh phát triển lớn mạnh. Định kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư 2 - 3 lần/năm; cà phê kết nối; cà phê cùng doanh nghiệp… để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giúp các doanh nghiệp đang có các hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn.
Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn bằng những hoạt động thiết thực, như: hỗ trợ ứng dụng trang thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất; hỗ trợ tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại; hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Trong 9 tháng 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 6,55% (chỉ tiêu nghị quyết là từ 7 - 7,5%), xếp thứ 5 khu vực đồng bằng sông Cửu Long và hạng thứ 40 cả nước. Trong đó: nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,83%; khu vực dịch vụ tăng 6,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,86%.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã và đang tích cực đồng hành, chia sẻ cùng với tỉnh trong các chương trình an sinh xã hội, giải quyết việc làm và đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, sự phát triển chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu. Một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo ông Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, trong Chương trình hành động số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Sóc Trăng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó nổi bật là nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến.
Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh. Sóc Trăng luôn cam kết đồng hành, hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đăng ký và triển khai thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh bền vững, ổn định tại địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo.
Ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh... Lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, đúng quy định pháp luật, đóng góp ngày càng nhiều cho xã hội.
PV