Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" được tỉnh Sơn La triển khai từ năm 2017. Đây là chương trình có ý nghĩa nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, gắn với lợi thế của mỗi vùng. Giúp nhân dân các huyện, thành phố phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương trong phát triển sản phẩm đặc trưng trở thành sản phẩm chủ lực có giá trịnh kinh tế cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Sau thời gian triển khai chương trình OCOP, đến nay, 11/11 huyện, thành phố của Sơn La đã có sản phẩm đặc trưng riêng. Qua rà soát của các địa phương có nhiều sản phẩm mang tính đặc trưng vùng miền. Hiện cả tỉnh có gần 200 loại sản phẩm lợi thế có giá trị kinh tế. Năm 2019, đã có 28 sản phẩm OCOP (trong đó có 9 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao). Sản phẩm đạt hạng 4 sao gồm: Cá tép dầu khô - HTX Thái Tuấn; Mận sấy gừng - HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5; Mận sấy mật ong - HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5; Mận sấy thảo dược - HTX dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5; Trà xanh mây (Tà Xùa) - Công ty TNHH trà và đặc sản Tây Bắc; Hồng giòn sấy dẻo - HTX nông nghiệp Quyết Thanh; Cà phê bột nguyên chất - HTX cà phê Bích Thao Sơn La; Trà vỏ cà phê - HTX cà phê Bích Thao Sơn La; Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái, HTX sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận.
Cùng với đó là 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu. Cụ thể, có 3 sản phẩm chỉ dẫn địa lý: chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, Cà phê Sơn La. Mười ba nhãn hiệu chứng nhận gồm: Chè Olong Mộc Châu, chè Phổng Lái Thuận Châu, rau an toàn Mộc Châu, Nếp Mường Và Sốp Cộp,… Hai nhãn hiệu tập thể: chè Tà Xùa và mật ong Sơn La.
Sản phẩm đạt các hạng sao nêu trên được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận; được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in, dán trên bao bì sản phẩm theo đúng quy định hiện hành. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có sản phẩm được công nhận có trách nhiệm hoàn thiện sản phẩm đảm bảo chất lượng theo quy định của Chương trình OCOP.
Sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La được trưng bày và giới thiệu tại Hà Nội (Ảnh: thoibaokinhdoanh.vn)
Với sự đa dạng về sinh thái đặc thù của từng vùng của địa phương là điều kiện thuận lợi cho việc trồng nhiều loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao ở Sơn la. Theo đánh giá của các chuyên gia, Sơn La hiện đang có khá nhiều sản phẩm đặc trưng, vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh. Đây là điều kiện khách quan rất thuận lợi để tỉnh triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Điển hình là các loại sản phẩm đã có vị trí trên thị trường như: Nhãn sông Mã, cá sông Đà, na Mai Sơn; chè, sữa Mộc Châu; sơn tra Ngọc Chiến và Bắc Yên…
Thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông đến tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể kinh tế và nhân dân về tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình OCOP. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, triển khai thực hiện chương trình. Xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở và Văn phòng Điều phối Nông thôn mới các cấp có bộ phận chuyên trách triển khai Chương trình OCOP.
Đặc biệt, đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở, làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản Sơn La. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia...
Hà Trần