Thanh Hóa, ngoài những điểm du lịch nổi tiếng như biển Sầm Sơn, thành nhà Hồ, vườn Bến En, động Từ Thức..., còn có suối cá thần - điểm du lịch hấp dẫn của nhiều du khách. Sự bí ẩn, vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ “độc nhất vô nhị” của suối cá, cho đến nay vẫn là một huyền bí đối với con người. Suối cá thần là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú của xứ Thanh.
Suối “cá thần” Cẩm Lương
Từ TP. Thanh Hóa, men theo QL45 khoảng 70 km, gặp đường Hồ Chí Minh đi hơn 15 km, hiện ra trước mắt chiếc cầu treo Cẩm Lương, nối ngang đôi bờ sông Mã với một con đường mòn ven sông khúc khủyu, uốn quanh núi Trường Sinh - chính là lối dẫn vào suối cá thần mà từ lâu, ẩn chứa những câu chuyện huyền bí xung quanh nguồn gốc của loài cá cũng như con suối…
Suối cá thần nằm ở chân núi Trường Sinh, bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Từ nhiều thế hệ, người dân vẫn truyền miệng về nguồn gốc của loài cá bắt đầu từ một truyền thuyết về thần rắn. Thiên nhiên đã ban tặng cho Cẩm Lương suối cá thần - một sự kết tinh kỳ thú của thiên nhiên, một kỳ bí về loài cá thần, chỉ có duy nhất ở Thanh Hóa.
Cách dòng sông Mã chừng 2 km, nằm giữa 4 bề núi đá vôi dựng đứng, dòng “suối tiên” Lương Ngọc bé nhỏ, có chiều dài rất khiêm tốn, chỉ hơn 100 mét, chỗ hẹp chừng 2 m, chỗ rộng trên 3 m, sâu khoảng 30 - 50 cm, nhưng có tới hàng nghìn con cá, nối đuôi nhau thành từng hàng bơi quanh miệng hang đá. Không ai có thể biết tại sao từ trong lòng núi lúc nào cũng tuôn chảy ra một nguồn nước trong và xanh biếc đến vậy.
Theo người dân, mặc dù nơi đây thường xuyên bị lũ lụt, nhưng cá trong suối không bao giờ trôi đi hay bơi ra sông. Trái lại, khi nước lũ tràn vào suối, những con cá lớn chui vào hang đá để trốn, những con nhỏ, nếu bị nước cuốn đi cũng có thể tự biết đường bơi trở lại hang.
Cá ở đây đủ kích cỡ. Nếu ngồi sát mép suối, người ta có thể trông rõ từng chiếc vây và vẻ đẹp của loài cá này. Chúng thoải mái đùa giỡn, lộ rõ phần bụng và lưng màu đen pha sắc vàng óng ánh, môi và vây màu đỏ rất đẹp và kỳ bí. Cá rất dạn người, không tản đi, dù trên bờ hầu như lúc nào cũng có người đứng ngắm.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Xí nghiệp Giao thông - xây dựng Cẩm Thủy (đơn vị kết hợp cùng Ban quản lý Khu du lịch suối cá Cẩm Lương), đã có nhiều đoàn khoa học trong nước cũng như quốc tế về đây khảo sát. Tuy nhiên, sự kết tinh huyền bí giữa núi, sông và đàn cá thần nơi đây vẫn đang là một bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Từ đầu nguồn suối, lần lên là đỉnh dãy Trường Sinh có động Ðăng, người dân nơi đây vẫn thường gọi với cái tên “vào cửa cha, ra cửa mẹ”. Trong động Đăng, có những thạch nhũ thiên tạo mang nhiều hình thù khác nhau lấp lánh nhiều sắc màu, có tiếng róc rách của con suối nhỏ, khởi nguồn của dòng nước trong hang cá Cẩm Lương. Tại đây, người dân đã lập một ngôi miếu thờ thần cá để dâng hương, họ tin rằng sự sung túc của bầy cá là biểu tượng của sự bình yên, no ấm. Theo quan niệm của dân làng chài, họ có một niềm tin rất mãnh liệt. Đó là mỗi lần ra khơi, họ đều lên đây thành tâm thắp hương… và có một chuyến đi bình an trở về.
Du khách tới tham quan suối "cá thần"
Từ những câu chuyện được truyền miệng với nhau, cùng với truyền thuyết về “thần cá” nên người Mường càng tin, cá chính là thần linh. Và chính những câu chuyện này, đã khoác lên suối cá thần một vẻ đẹp đầy huyền bí.
Với niềm tin suối cá là nơi linh thiêng có thể che mưa, phủ nắng cho bản làng, sự đông đúc của đàn cá trong dòng suối là sự bình yên, no ấm cho cuộc sống dân làng nơi đây. Vì thế, từ bao đời nay, bà con dân tộc Mường luôn gìn giữ và xem loài cá này là loài cá thiêng và cũng là báu vật của người Mường nơi đây.
Quyền Hiền