DN đã góp phần đưa Việt Nam trở thành nước XK gạo hàng đầu trên thế giới, khẳng định vị thế thương hiệu nông sản Việt. Supe Lâm Thao cũng là DN tiên phong trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT) - phát triển bền vững.

Supe Lâm Thao: Bảo vệ môi trường - phát triển bền vững - Hình 1

Cảnh quan môi trường trong khu vực sản xuất của công ty

Quan tâm công tác BVMT

Trong nhiều năm qua, công tác quản lý toàn diện về MT, đã được công ty chú trọng đặc biệt và xử lý triệt để. Liên tiếp từ năm 1995 đến nay, các thế hệ lãnh đạo công ty đã tập trung trí tuệ và nguồn kinh phí, từng bước cải tạo MT, đáp ứng yêu cầu mới.

Cụ thể, giai đoạn 1996 - 1997, đầu tư cải tạo, đổi mới công nghệ công đoạn sấy khí dây chuyền a xít số 1; đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị các công đoạn tiếp xúc, hấp thụ và xử lý khí thải dây chuyền a xít 1; đầu tư hệ thống cấp nước sạch. Năm 1998, DA đầu tư cải tạo công nghệ dây chuyền a xít 1 công suất 80.000 tấn H2SO4/năm, thay thế 6 lò BXZ đốt quặng pyrit bằng 1 lò đốt lưu huỳnh sạch, đã loại bỏ được chất thải rắn CN là xỉ pyrit ra môi trường.

Năm 2001, công ty đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất a xít số 3, công suất 40.000 tấn H2SO4/năm. Đây là DA đầu tiên áp dụng công nghệ tiếp xúc kép, hấp thụ 2 lần, nâng cao hiệu suất chuyển hóa SO2 thành SO3 và hiệu suất hấp thụ SO3. Do vậy, khí thải ra MT đáp ứng TCVN 5939:1995/BKHCNMT, tổng mức đầu tư là 55,335 tỷ đồng. Năm 2003, DA đầu tư cải tạo dây chuyền sản xuất a xít số 2 công suất 120.000 tấn H2SO4/năm từ đốt quặng pyrit sang đốt lưu huỳnh sạch, tổng mức đầu tư 40,3 tỷ đồng, đã chấm dứt hoàn toàn việc thải xỷ pyrit ra MT.

Năm 2006, công ty đã triển khai thực hiện 2 DA cải tạo MT: DA đầu tư cải tạo dây chuyền a xít sunfuric số 2 sang tiếp xúc kép, hấp thụ 2 lần, giá trị thực hiện 20,1 tỷ đồng; DA đầu tư cải tạo dây chuyền a xít sunfuric số 1 sang tiếp xúc kép, hấp thụ 2 lần, giá trị thực hiện 19,2 tỷ đồng. Công nghệ mới đã nâng cao được hiệu suất chuyển hóa khí SO2 thành SO3 và hiệu suất hấp thụ khí SO3, do đó khí thải ra MT đáp ứng cột A TCVN 5939:2005/BTNMT về MT.

Năm 2008, công ty đã đầu tư thi công DA cải tạo và xây dựng hệ thống cung cấp nước sản xuất và xử lý nước thải 1.900 m3/h, tổng kinh phí 47,5 tỷ đồng. Cũng trong năm này, đội ngũ cán bộ kỹ thuật công ty đã nghiên cứu thành công và áp dụng vào thực tế sản xuất Đề tài KH-KT, chuyển đổi công nghệ sản xuất supe lân từ quặng apatit tuyển ẩm (18÷20%H2O) được sấy khô sang công nghệ dùng trực tiếp 100% quặng tuyển ẩm không sấy tại dây chuyền Supe số 2.

Hiệu quả, tiết kiệm được khoảng 5.000 tấn than/năm; thực hiện định mức điện giảm từ 22 Kwh/tấn xuống còn 16 Kwh/tấn, tiết kiệm được khoảng 2,4 triệu kwh/năm; giảm thiểu ONMT về bụi do không phải vận hành bộ phận sấy nghiền; giảm lượng phát thải khí CO2.

Supe Lâm Thao: Bảo vệ môi trường - phát triển bền vững - Hình 2

Ông Trần Văn Minh, Phó CN UBKHCN&MT của Quốc hội cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế tại hệ thống xử lý nước thải của công ty

Đầu tư theo chiều sâu

Năm 2017, công ty đã thực hiện thành công đề tài khoa học cấp Tập đoàn Hóa chất Việt Nam về việc nghiên cứu áp dụng vào sản xuất giải pháp xử lý dung dịch H2SiF6 trong sản xuất supe lân đơn. Công ty đã ngưng xả nước thải ra MT và tuần hoàn tái sử dụng 100%.

Giải pháp này, không chỉ làm lợi trên 55 tỷ đồng/năm, mà còn xử lý dứt điểm vấn đề nước thải tại 2 dây chuyền sản xuất supe lân đơn, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nước, cải thiện điều kiện lao động.

Nhằm giám sát, quản lý tốt hơn MT khí thải trong sản xuất nói chung, sản xuất axít nói riêng, tiến tới giám sát trực tuyến MT, từ giữa quý I/2018, công ty đầu tư gần 5 tỷ đồng xây dựng, lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục tại dây chuyền axít 1 với trang thiết bị, công nghệ hiện đại của châu Âu.

Việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, xử lý khí thải thực hiện theo đúng quy định; hạn chế tối đa tiếng ồn và bụi phát sinh từ hoạt động SXKD. Các phong trào thi đua BVMT đã được đông đảo CBCNV tham gia. Việc ứng dụng KH&CN giảm thiểu ONMT được chú trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện Luật BVMT và xử lý các vi phạm luôn được đề cao.

Năm 2018, số đề tài, sáng kiến đã được áp dụng tăng 6,2% so với 2017 (năm 2018 có 362 sáng kiến; năm 2017 có 341 sáng kiến); 871 cá nhân có sáng kiến. Tổng số tiền làm lợi trên 78 tỷ đồng.

Các công trình đã được thực hiện cải thiện MT, cải thiện công nghệ bao gồm sửa chữa, cải tạo bộ phận hấp thụ Xí nghiệp Supe 1 đạt QCVN 21:2009/BTNMT; lắp đặt hệ thống đo khí thải tự động liên tục đối với dây chuyền sản xuất NPK số 4. Thông số quan trắc khí thải theo báo cáo đánh giá tác động MT của dây chuyển sản xuất NPK số 4 - đã được Bộ TN&MT phê duyệt (gồm 2 chỉ tiêu là NH3 và bụi).

Hệ thống đủ điều kiện để truyền và quản lý dữ liệu theo đúng yêu cầu của Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 1/9/2017; lắp đặt hệ thống đo khí thải tự động liên tục cho dây chuyền axit số 1 đưa vào vận hành theo đúng quy định của pháp luật, thông số quan trắc khí thải theo theo quy định của Bộ TN&MT phê duyệt (gồm 5 chỉ tiêu là lưu lượng; SO2; O2; bụi; nhiệt độ).

Hệ thống đủ điều kiện để truyền và quản lý dữ liệu theo đúng yêu cầu của Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT ngày 1/9/2017; triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý MT ISO 14001:2015, đã được Tổ chức chứng nhận ISO cấp chứng nhận từ ngày 28/8/2018…

Tiếp nối những thành công

Bằng các giải pháp trên, bên cạnh hiệu quả kinh tế, công ty đã giải quyết triệt để những tồn tại về MT; tuân thủ đúng các yêu cầu của Luật BVMT và Quy chuẩn MT Việt Nam, góp phần củng cố hình ảnh thân thiện của DN trong hoạt động SXKD - ổn định và phát triển bền vững.

Năm 2018, nhiều đề tài của Supe Lâm Thao về công tác MT được công nhận và khen thưởng: giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam cho công trình “Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axit H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý MT” thuộc lĩnh vực công nghệ mới nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên; Giải Bạc về lĩnh vực “Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên” với công trình “Giải pháp công nghệ xử lý Axit H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý MT” - Giải thưởng quốc tế về KH&CN 2018 (SIIF 2018) tại Seoul - Hàn Quốc; Giải Đặc biệt về ý nghĩa khoa học và những đóng góp của công trình đối với quá trình SXKD của công ty nói riêng và đối với KH&CN quốc tế của Trường ĐH Hoàng gia - Ả Rập Xê Út…

Năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống đơn vị 3 lần Anh hùng, tập thể CBCNV công ty đồng sức đồng lòng, đoàn kết quyết tâm tìm các giải pháp, tạo đủ công ăn việc làm cho gần 3.000 lao động; nộp ngân sách 102 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 4.060 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.756 tỷ đồng. Sản xuất được 232.321 tấn axít sunfuric; tiêu thụ 4.386 tấn axít thương phẩm. Supe lân sản xuất 706.188 tấn; tiêu thụ 331.355 tấn; lân nung chảy sản xuất 81.153 tấn; tiêu thụ 60.446 tấn; NPK-S sản xuất 606.847 tấn các loại; tiêu thụ 576.458 tấn...

Vượt qua mọi khó khăn, lao động sáng tạo, công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ SXKD; đời sống xã hội, phong trào công nhân - lao động có sự tiến bộ vượt bậc. Bên cạnh đó, công ty còn tham gia và hưởng ứng tích cực các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tri ân các thương bệnh binh, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ người nghèo…

Hà Thu