Thị trường: “Vàng thau lẫn lộn”

Tình cờ, tôi được nghe câu chuyện của một đại lý Supe Lâm Thao với đại diện Phòng Kinh doanh: “Hiện nay, việc bán hàng quá khó, đặc biệt là cạnh tranh về giá. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng - đồng nghĩa với câu chuyện phải tăng giá bán sản phẩm - đã khó lại càng khó, liệu có bán được không?

Thương hiệu Supe Lâm Thao & Nỗi niềm trăn trở - Hình 1

Sản phẩm Supe Lâm Thao đang phải cạnh tranh với hàng “cỏ”, hàng kém chất lượng

Rõ ràng, “vàng” đang phải cạnh tranh với “thau”. Hàng có uy tín, thương hiệu lại đang bị đặt ngang với hàng “cỏ”, giá cả lộn xộn. Có những nhà phân phối, vì tham lợi nhuận cao hoặc vì những lý do nào sau đó nên mua hàng giá rẻ về bán cho bà con nông dân, dù biết chất lượng không bằng…

Một loại phân bón nhập ngoại của Nga, đang phân phối tại thị trường Tây Nguyên, cũng đang “móc túi” người tiêu dùng (nhập khẩu với giá khoảng 7 triệu đồng, nhưng giá bán là 12 triệu đồng; còn khuyến khích người bán hàng nếu bán được 40 tấn thì cho đi… Mỹ).

Một nông trường mía đường, lựa chọn phân bón không có thương hiệu, chất lượng kém… Hay như một công ty chè ngay sát Supe Lâm Thao - dù người trồng chè yêu cầu lấy sản phẩm của Supe Lâm Thao, nhưng công ty vẫn quyết định lấy sản phẩm của một công ty khác cách hàng trăm km (!?)... là những câu chuyện không hiếm gặp và cũng không quá khó để hiểu “tại sao?”!...”.

Bên cạnh đó, việc lợi dụng thương hiệu Supe Lâm Thao để bán sản phẩm kém chất lượng, lừa người tiêu dùng cũng diễn ra khá phổ biến. Vừa rồi, Công ty Tấn Đạt (Bắc Giang) sản xuất phân bón, song họ mua sản phẩm của Lâm Thao làm chất dẫn để bán kèm. Họ yêu cầu đại lý cấp 3, cấp 4, nếu muốn mua sản phẩm thương hiệu Lâm Thao thì bán cho giá rẻ, rẻ hơn cả đại lý cấp 1 khác, nhưng với điều kiện: lấy 1 tấn sản phẩm Lâm Thao, thì phải lấy 2 tấn sản phẩm kia!

Tại Thanh Hóa, một số đại lý vì lợi nhuận cao, không bán sản phẩm của Lâm Thao thì các nhà đại lý cấp 1 cũng cắt luôn. Các đại lý này, không có chất dẫn và không bán được cả những loại phân bón khác nên ra tận nhà máy đề nghị được bán sản phẩm Lâm Thao…

Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng có một loại phân đang lừa bà con là phân dúi - được bày bán tại các cửa hàng bán lẻ ở thị xã Nghĩa Lộ, bao giờ cũng được bày ra bên ngoài, còn sản phẩm của Lâm Thao thì được để ở tận trong. Sản phẩm này được trộn từ 2 loại là urê và kali, rồi dập thành viên, không cần máy móc hiện đại. Thực tế, dù người tiêu dùng đến đại lý với mục đích để muốn mua sản phẩm thương hiệu Lâm Thao, nhưng trước sự “thuyết phục” của người bán như lấy sản phẩm khác cũng tốt mà giá rẻ… khiến họ vô cùng phân vân.

Đặc biệt, nhiều thương hiệu na ná (còn gọi là nhái) Supe Lâm Thao như kiểu 5 nhành lá cọ hoặc 3 nhành lá khoai, màu chữ, chất lượng vỏ bao… dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng... Hiện sản lượng của Supe đang bị tụt, do những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ. Ví dụ, Supe Lân của Công ty CP Sơn Trang (Kim Thành, Hải Dương).

Sự lừa đảo ở đây là họ bảo Supe Lân cũng giống như Lân của Lâm Thao, trong khi thành phần chính của lân Lâm Thao P2O5 là 16%, nhưng của họ chỉ có 3% mà giá bán lại tương đương với Lâm Thao (chỉ thấp hơn khoảng 50 - 100 đồng) và thành phần hàm lượng thì họ ghi ở mặt sau của bao bì. Tiến Nông là đơn vị sản xuất phân bón lớn, nhưng bao bì cũng có nhiều chi tiết na ná của Supe Lâm Thao…

Cần có giải pháp quyết liệt

Nhằm đẩy lùi thực trạng phân bón kém chất lượng, Nghị định 108 (thay thế Nghị định 202) phân cấp và giao trách nhiệm cho địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón, chịu trách nhiệm về tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng trên địa bàn.

Bộ NN&PTNT đã xây dựng Dự thảo Nghị định về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Theo đó, nhiều hành vi sẽ tăng mức xử phạt từ 3-7 lần so với trước đây. Đặc biệt, người trực tiếp bán phân bón phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn về phân bón, trừ trường hợp đã có trình độ trung cấp trở lên về nông nghiệp.

Thương hiệu Supe Lâm Thao & Nỗi niềm trăn trở - Hình 2

Cần có giải pháp quyết liệt với phân bón giả, nhái, kém chất lượng

Ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng phòng Kinh doanh Supe Lâm Thao cho biết: Đối với sản phẩm Supe Lâm Thao, từ lâu không có hàng giả, nhưng giờ có nhiều hàng nhái, bao bì mẫu mã, logo gần giống. Giải pháp của Lâm Thao nhằm xử lý vấn đề này, chủ yếu trên các hội nghị, hội thảo trực tiếp với dân, đưa luôn 2 vỏ bao bì ra để so sánh cho người dân phân biệt, nhận biết.

Cách này làm đã lâu và có hiệu quả, nhưng bà con không biết hết được, chủ yếu do người mua ham rẻ, người bán hàng cố tình bán hàng nhái để được phần trăm cao hơn. Sản phẩm của Lâm Thao bị xếp bên trong, hàng chất lượng kém bên ngoài, khi nào bà con hỏi thì mới đưa ra.

Về chính sách nhà nước, mong rằng sau khi ra Nghị định 108, không chỉ với riêng Supe Lâm Thao, mà với cả những nhà sản xuất phân bón lớn trong nước sẽ có nhiều thuận lợi. Bởi vì, trước đây, theo Nghị định 202, phân cấp cho 2 bộ theo dõi về mảng phân bón nên việc cấp phép sản xuất cho những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ quá nhiều. Nghị định 108 sẽ thắt chặt quản lý, đương nhiên những người sản xuất nhỏ lẻ đủ điều kiện sản xuất sẽ bị đóng cửa - cơ hội cho nhà sản xuất lớn, làm ăn chân chính, vì quyền lợi người tiêu dùng. Nếu áp Nghị định 108, quản lý nghiêm ngặt, siết chặt sản xuất nhỏ lẻ, thì việc làm hàng nhái sẽ giảm.

Mặt khác, nếu Nhà nước sửa đổi về Luật Thuế 71, thì sản phẩm sẽ cạnh tranh được với nước ngoài, hạ được giá thành và bà con được lợi.

“Nhằm bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Supe Lâm Thao đang tiến hành một số giải pháp để nhận biết về mẫu mã bao bì sản phẩm, tem, nhãn… Tuy nhiên, chưa áp dụng được bởi chi phí cao, vì toàn bộ nguyên liệu sản xuất bao bì phải nhập từ nước ngoài. Chúng tôi đang nghiên cứu thêm, khi mình làm vỏ bao có in luôn mã vạch trên vỏ bao không, nhưng hiện tại Supe Lâm Thao có đến 4-5 nhà cung cấp vỏ bao bì vậy, dây chuyền sản xuất của họ nếu chưa có thì phải lắp thêm, chi phí cũng sẽ đội lên nhiều”, ông Trần Việt Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, muốn nhận diện được là đây là sản phẩm của Lâm Thao rồi và có thêm mã khách hàng, đưa mã khách hàng vào thì công ty in không thể in sẵn được (vì khách hàng nào vào lấy lúc đó mới in) vẫn đang nghiên cứu… Nếu tính làm tem dán để nhận biết sản phẩm thôi, thì mỗi năm, chi phí đội thêm khoảng 20 tỷ.

Trước mắt, công ty có một đội ngũ tiếp thị ở ngoài và phương pháp tiếp thị bán hàng của Lâm Thao cũng khác với những nơi khác. Đó là bằng các hội nghị trực tiếp với các bà con trong vùng, từ đó hướng dẫn bà con cách sử dụng phân bón và lồng ghép các chương trình nhận biết trực tiếp sản phẩm bằng cách lấy các đối chứng của các đơn vị khác để so sánh, khuyến cáo.

Chẳng hạn như, Lân có thành phần P2O5 của Supe là 16%, trong khi các sản phẩm chỉ có 3% thì giá phải rẻ hơn; nếu người ta bán bằng giá Lâm Thao thì bà con bị mua đắt. Còn ví dụ với NPK, thành phần người ta ghi là NPK, nhưng lại ghi ở mặt sau, không đúng hoặc thấp đi. Có những chỗ, tỷ lệ thành phần chuẩn là 5-10-3 nhưng người ta ghi 5-1.0…

Ngoài ra, công ty vừa đề xuất về việc tuyên truyền sản phẩm Supe Lâm Thao trên các loa phát thanh về đến tận cấp xã để phổ biến thông tin rộng rãi đến bà con.

Kỳ vọng, với những giải pháp quyết liệt, sẽ góp phần quan trọng đẩy lùi thực trạng phân bón kém chất lượng, bảo vệ thương hiệu, uy tín nhà sản xuất chân chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 Thanh Hà - Đỗ Uyên