Thực hiện Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 và Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng công trình vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thực hiện nghiêm việc sử dụng vật liệu xây không nung đảm bảo tỷ lệ vật liệu xây tối thiểu theo quy định pháp luật đến năm 2025 công trình xây dựng trong đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng ≥ 70%, các khu vực còn lại sử dụng ≥ 50% và sử dụng 100% vật liệu xây không nung từ năm 2030.
Theo đó các chủ đầu tư xây dựng công trình từ 09 tầng trở lên phải chấp hành sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây trong giai đoạn từ nay tới năm 2025 và sử dụng tối thiểu 90% vật liệu xây không nung so với tổng lượng vật liệu xây từ năm 2030. Khuyến khích, tạo điều kiện tối đa việc sử dụng vật liệu không nung vào các công trình xây dựng, không phân biệt nguồn vốn, số tầng. Thực hiện thẩm tra, thẩm định, cấp phép xây dựng (theo thẩm quyền) đối với các công trình xây dựng đảm bảo chấp hành tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung tối thiểu theo quy định pháp luật.
Theo số liệu thống kê do Sở Xây dựng Hải Phòng cung cấp, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có hơn 90 cơ sở sản xuất gạch không nung với tổng công suất thiết kế hơn 254 triệu viên/năm, trong đó có 4 cơ sở có thể đáp ứng được yêu cầu sản xuất với quy mô lớn là Công ty cổ phần cơ khí và VLXD Thanh Phúc tại quận Kiến An với 03 dây chuyền tổng công suất thiết kế đạt 150 triệu viên/năm, Nhà máy gạch Dưỡng Động với công suất thiết kế 15 triệu viên/năm, nhà máy gạch Tân Phú Xuân với công suất thiết kế 35 triệu viên/năm tại huyện Thủy Nguyên và Công ty cổ phần xây dựng Sao Đỏ Hoàng Trường tại quận Dương Kinh với công suất thiết kế 30 triệu viên/năm; còn lại chủ yếu là các đơn vị sản xuất nhỏ lẻ tại các quận, huyện và các doanh nghiệp sản xuất với quy mô nhỏ. Các sản phẩm chủ yếu là gạch bê tông cốt liệu.
Một số công trình sử dụng VLXDKN trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã được Sở Xây dựng thẩm định và thi công: Chung cư cao tầng HH1 HH2 HH3 HH4 Đổng Quốc Bình, Nhà máy Jasan 2 quy mô 34.892m2, Nhà máy Maple quy mô 25.515m2, Nhà máy EPE 2.278m2 ở VSHIP, huyện Thủy Nguyên… Các công trình nguồn vốn ngân sách hiện nay đã sử dụng VLKN như Trường Mầm non xã Tiên Thanh, Xã Tiên Minh, xã Hùng Thắng huyện Tiên Lãng; Trụ sở HĐND-UBND huyện Tiên Lãng; Công trình Bệnh viện Đa khoa Hải Phòng, Trung tâm cấp cứu 115 thuộc Dự án Bệnh viện Việt Tiệp 2; Công trình Bệnh viện Y học Cổ truyền; Trường THPT Tô Hiệu huyện Vĩnh Bảo và rất nhiều các công trình xây dựng vốn đầu tư công khác.
Quỳnh Nga