Xuất khẩu gạo tháng 4/2024 đạt 3,23 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu lên đến 1,93 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân của mặt hàng này trong 4 tháng đầu năm nay lên tới 644 USD/tấn, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, Việt Nam đã vượt Thái Lan để trở thành nhà cung ứng quan trọng và giữ vị trí số 1 xuất khẩu gạo vào Philippines. Quốc gia thuộc Đông Nam Á này cũng là thị trường truyền thống xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% về tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chỉ trong tháng 4/2024 Philippines đã chi 286,8 triệu USD để mua 478.700 tấn gạo, tăng 21% về lượng và tăng mạnh 45% về giá trị so với tháng cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy kim ngạch gạo xuất khẩu của nước ta tăng mạnh trong thời gian vừa qua.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, gạo là mặt hàng thiết yếu quan trọng đảm bảo an ninh lương thực đối với Philippines. Mặc dù có nền sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nên quốc gia này phải nhập khẩu gạo từ nhiều nước khác.
Hàng năm, tùy điều kiện canh tác, sản xuất nội địa của Philippines đạt được từ 19 đến 20 triệu tấn lúa, tương đương 12 đến 13 triệu tấn gạo. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ gạo hàng năm của quốc gia này lên tới 15 triệu tấn gạo và dự trữ tối thiểu đảm bảo lương thực đầy đủ cho 30 ngày là 1 triệu tấn.
Theo đó, tổng nhu cầu hàng năm của Philippines lên đến 16 triệu tấn gạo. Vì vậy, mỗi năm trung bình quốc gia này phải nhập khẩu gần 3 triệu tấn gạo.
Thậm chí, mới đây, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) nhận định, lượng nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay có thể lên tới 4,1 triệu tấn.
Trả lời cho câu hỏi, tại sao Việt Nam trở thành "bạn hàng" gạo uy tín của Philippines từ năm 2019 đến nay. Ông Phùng Văn Thanh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines cho biết, nhiều doanh nghiệp gạo Việt Nam đã có quan hệ bạn hàng lâu năm với các nhà nhập khẩu gạo của Philippines, tạo được uy tín, lòng tin trong xuất khẩu gạo với các bạn hàng Philippines.
Thứ hai, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp đến các tầng lớp giàu có, giá cả cạnh tranh.
Thứ ba, nguồn cung gạo của Việt Nam ổn định về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines.
Thứ tư, Việt Nam tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, như Hiệp định Thương mai Hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP),...trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippines (như Ấn Độ, Pakistan) không có.
Để có những kết quả này là nỗ lực không nhỏ của Việt Nam nhưng dư địa vẫn còn để Việt Nam tiếp tục khai thác gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào Philippines, duy trì vị thế số 1 tại thị trường Philippines.
Sông Trường