Khi sử dụng các loại thực phẩm không an toàn, người tiêu dùng đã phải trả giá quá đắt bằng chính sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng của mình do bị ngộ độc thực phẩm và mầm mống gây ra căn bệnh ung thư quái ác đang ngày một tích tụ và chờ bộc phát. Nhưng có không ít người tiêu dùng không quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi mua các thực phẩm thiết yếu tiêu dùng hàng ngày (như rau, cá, thịt….). Các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, trừ bệnh và thuốc trừ cỏ dại…), thuốc kích thích tăng trưởng, kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh có trong các loại rau quả hoặc các chất kháng sinh, chất tăng trọng có trong thịt cá sẽ tích lũy dần trong các mô mỡ, tủy sống…của con người là tiền đề để phát sinh các loại bệnh tật như ung thư, loãng xương, suy giảm trí nhớ và thoái hóa xương khớp.
Những loại thưc phẩm, đồ ăn nhanh bán trên các hè phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVS. Ảnh: Minh họa
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực phẩm bẩn vẫn len lỏi vào trong từng bữa ăn của người tiêu dùng được nhận định qua 2 yếu tố. Thứ nhất là do sự ham rẻ của người tiêu dùng, thứ hai là do lợi nhuận đem lại quá lớn, khiến một số nhà sản xuất bất chấp mọi thủ đoạn. Thực tế hiện nay việc quản lý, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm vẫn chưa nghiêm minh; tình trạng bao che, thông đồng với người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn vẫn diễn ra.
Để giải quyết triệt để vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay cần phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở; các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát; các chủ sản xuất phải có đủ phương tiện theo đúng tiêu chuẩn để vận chuyển, bảo quản thực phẩm; bảo đảm an toàn lao động; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người buôn bán, nuôi trồng có kiến thức, chứng chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm mới được kinh doanh; đầu tư cho trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cần ban hành những chế tài mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn. Bên cạnh đó, cần đổi mới công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức của người sản xuất, kinh doanh; đầu tư kinh phí thỏa đáng cho công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống cung cấp thực phẩm sạch.
Thực phẩm được di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác, do đó cần có sự đồng bộ của cả nước, cần có sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó xác định một số việc cụ thể trong từng năm để xử lý triệt để. Xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, đưa nông dân vào hợp tác để hướng dẫn họ thực hiện theo VietGAP, GlobalGAP, kết nối với doanh nghiệp phân phối.
Trong công tác thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm phải thay đổi cách làm từ theo kế hoạch sang đột xuất, đi cùng với tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, truy đến cùng nguồn gốc thực phẩm vi phạm. Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong quản lý an toàn thực phẩm; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh, tố giác các hành vi mất an toàn thực phẩm; cần có đường dây nóng, cơ chế tiếp nhận phản ánh về mất an toàn thực phẩm; có cơ chế khen thưởng kịp thời;..
Về phía nhà sản xuất, cần nhận thức rõ xu hướng tiêu dùng thông minh đang trở nên phổ biến. Người tiêu dùng không những hướng tới những thực phẩm sạch, an toàn mà còn tự trang bị cho mình những kiến thức, kinh nghiệm về việc nhận biết những loại thực phẩm đạt tiêu chuẩn. Bởi vậy, doanh nghiệp muốn đứng vững và phát triển cần phải sản xuất, kinh doanh vì lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng. Doanh nghiệp phải thể hiện cho người tiêu dùng thấy được rằng, người tiêu dùng cũng chính là người quyết định chất lượng sản phẩm và nhà sản xuất phục vụ “thượng đế” của mình.
Đối với người tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân cũng như gia đình, việc tìm đến những địa chỉ cung ứng thực phẩm được chứng nhận có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng là rất cần thiết. Bởi đây là một trong những yếu tố đầu tiên đảm bảo sự an toàn của thực phẩm.
Trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được lãnh đạo các cấp quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cụ thể, Nhà nước ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn thực phẩm; công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được chú trọng hơn; kiến thức, sự hiểu biết của người dân về vấn đề bảo đảm sức khỏe cũng được nâng lên; các nhà sản xuất, kinh doanh cũng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm làm ra…
Đặc biệt, việc triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về an toàn thực phẩm, đã được hầu hết các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện. Đến nay, có 18 tỉnh, thành phố ký Chương trình phối hợp về an toàn thực phẩm giữa UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; 37 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch 2 năm về thực hiện chương trình phối hợp số 90. Hiện cả nước hiện đã xây dựng và nhân rộng triển khai 346 mô hình về an toàn thực phẩm. Công tác phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát đã phát hiện và đề xuất xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm 41/63 tỉnh, thành phố đã tham gia 169 đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành và chủ trì tổ chức các đoàn đi giám sát chuyên ngành về an toàn thực phẩm và đã phát hiện xử lý kịp thời nhiều trường hợp vi phạm.
Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành tập trung ra soát các tiêu chí như: Số khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm; số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm và số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn...
Linh Tuệ