Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lũ ở sông Cửu Long hiện đang lên, số liệu thực đo ngày 12/8, mực nước tại Tân Châu cao nhất đạt 3,67m (cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,75m, cao hơn năm 2017 khoảng 0,45m); tại Châu Đốc đạt 3,12m (cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,45m, cao hơn năm 2017 khoảng 0,4m); lũ đầu vụ sẽ tiếp tục lên, đến khoảng cuối tháng 8/2018, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 3,4m.

Dự báo tình hình mưa lũ cực đoan và xả lũ của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mekong, diễn biến lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể biến động bất thường, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện cao hơn, ở mức báo động 3.

Tăng cường chống ngập lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long - Hình 1

 Diễn biến lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể biến động bất thường

Để chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, đề phòng thiệt hại do lũ gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ nội đồng; tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở.

Thực hiện khẩn cấp các giải pháp bảo vệ các diện tích lúa Hè Thu có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ đầu mùa; tổ chức thu hoạch sớm diện tích lúa vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ để tránh thiệt hại.

Các địa phương khuyến cáo người dân thời điểm xuống giống lúa Thu Đông phù hợp, chỉ tổ chức xuống giống lúa vụ Thu Đông ở các vùng đê bao triệt để, khép kín, có khả năng chống chịu được lũ chính vụ.

Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo lũ sông Cửu Long do các cơ quan chuyên ngành và thông tin dự báo ngập lũ nội đồng do các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp hàng ngày để thực hiện các giải pháp ứng phó kịp thời.

Đỉnh lũ chính vụ ở mức báo động 2 (Tân Châu: 4m, Châu Đốc 3,5m) và trên báo động 2, thời gian xuất hiện vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018.

PV