Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn Hoa kỳ có: bà Kathi Vidal, Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ phụ trách về SHTT, kiêm Giám đốc USPTO; bà Shirin Bidel-Niyat, Chánh Văn phòng, USPTO; ông Peter N. Fowler, Cố vấn cấp cao về thực thi, USPTO; bà Grace Ramdat, Giám đốc bộ phận Dự án và Kế hoạch chiến lược, USPTO; ông Chanchart Chotiphol, Chuyên gia về SHTT, USPTO; cùng đại diện cán bộ đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội. Về phía Cục SHTT có: ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT; ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT, đại diện lãnh đạo 15 đơn vị thuộc Cục SHTT.
Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Đinh Hữu Phí khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một đối tác quan trọng hàng đầu, thể hiện thông qua việc thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, hai nước đã ký Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2001 và từ đó đến nay đã ký thêm một số các Hiệp định khác về vận tải hàng không, hải quan và hàng hải,… Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đầu tư tại Hoa Kỳ, gần đây nhất là dự án đầu tư của Tập đoàn Vinfast trị giá 4 tỷ USD, dự kiến sẽ tạo hơn 7.000 việc làm mới tại Hoa Kỳ. Vì vậy, đã đến lúc Cơ quan SHTT hai nước cần phải thúc đẩy hợp tác nhằm tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của hai bên trong việc phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh tại mỗi nước. Không chỉ là điểm đến của các doanh nghiệp, Hoa Kỳ còn là điểm đến của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam với một nền giáo dục phát triển, uy tín hàng đầu thế giới.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) - trong đó SHTT được xác định là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động ĐMST. Trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ KH&CN, SHTT luôn là một trong những lĩnh vực được quan tâm chỉ đạo hàng đầu của Lãnh đạo Bộ, thể hiện thông qua việc tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, quản lý quan trọng trong lĩnh vực SHTT, cụ thể là: Chiến lược SHTT đến năm 2030; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và ĐMST đến năm 2030. Gần đây nhất, ngày 16/06/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua thể hiện sự quyết tâm rất cao của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách và khung pháp lý về SHTT, đáp ứng việc thực thi có hiệu quả các cam kết SHTT trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.
Cục trưởng đánh giá cao chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Thứ trưởng Bộ Thương mại phụ trách SHTT kiêm Giám đốc USPTO, cũng như quan hệ hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực SHTT giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nói chung, giữa USPTO và Cục SHTT nói riêng. Đặc biệt ghi nhận các hoạt động hợp tác song phương tích cực, cụ thể giữa USPTO và Cục SHTT thông qua các khóa đào tạo nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; tổ chức hội thảo, tập huấn về thực thi quyền SHTT cho các cơ quan liên quan của Việt Nam. Các hoạt động này đã giúp nâng cao năng lực cho Cục SHTT và hệ thống SHTT của Việt Nam.
Trong khuôn khổ đa phương ASEAN-USPTO, Hoa Kỳ đã dành cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, các cơ hội tham dự nhiều khóa đào tạo/tập huấn về thực thi quyền SHTT, thẩm định nhãn hiệu/sáng chế và nâng cao nhận thức của công chúng về SHTT.
Đánh giá cao mô hình hoạt động của USPTO - một trong năm cơ quan SHTT lớn mạnh và hiện đại nhất thế giới, Lãnh đạo Cục SHTT bày tỏ mong muốn USPTO và cá nhân bà Thứ trưởng Bộ Thương mại kiêm Giám đốc USPTO ủng hộ, thúc đẩy các hoạt động hợp giữa hai Cơ quan, trước tiên là thông qua Kế hoạch hợp tác trên cơ sở MOU đã ký; phối hợp giữa hai cơ quan SHTT với các tổ chức và doanh nghiệp để tổ chức các chương trình, chiến dịch, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về quyền SHTT, xây dựng văn hóa tôn trọng quyền SHTT; chia sẻ của USPTO về các công nghệ mới để nâng cao kiến thức và kỹ năng của các thẩm định viên Cục SHTT về các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới nổi, phục vụ công tác thẩm định đơn, cấp bằng sáng chế;…
Nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và sâu sắc với Việt Nam và Cục SHTT từ năm 2000, bà Kathi Vidal cho rằng hai Bên đã có những bước tiến lớn trong quan hệ hợp tác về SHTT, cụ thể: “Chuyến công tác của chúng tơi tới khu vực và Việt Nam lần này thể hiện cam kết của Chính phủ Hoa kỳ đối với Việt Nam cũng như là khu vực, nó cũng cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực SHTT đối với 2 nước chúng ta. Chúng tôi tiếp tục mong đợi có những hợp tác sâu sắc hơn về SHTT giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Bà Kathi Vidal chia sẻ thêm rằng đã nhận được thông tin từ các bên liên quan về công việc tuyệt vời của Cục SHTT đã làm được trong lĩnh vực SHTT như việc xử lý những vụ việc xâm phạm quyền SHTT gây ra những thiệt hại cho chủ thể quyền tại tòa án. USPTO rất sẵn sàng hợp tác với Cục SHTT về thực thi quyền SHTT với việc chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực.
Đánh giá cao những chia sẻ của Cục SHTT về cách thức hai Bên tiếp tục đẩy mạnh quá trình hợp tác, USPTO mong muốn được hợp tác với Cục SHTT trong tổ chức các chương tình đào tạo, tập huấn, cũng như hội thảo, tọa đàm về SHTT.
Cũng tại buổi làm việc, phía USPTO cũng chia kẻ kinh nghiệm vận hành hệ thống SHTT tại Hoa Kỳ trong việc đẩy nhanh việc cấp bằng độc quyền sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, điển hình như việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để tìm kiếm, tra cứu giúp đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn.
Liên quan đến kinh nghiệm thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, USPTO tích cực triển khai rộng rãi các hoạt động nâng cao nhận thức, bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong cả nước, đến với những doanh nghiệp khởi nghiệp - những đối tượng mà trước nay không dễ dàng tiếp cận với quyền SHTT trong hệ sinh thái ĐMST, chia sẻ tài liệu, cung cấp luật sư miễn phí, thông qua đó giúp họ đẩy nhanh quá trình đóng góp và phát triển KT-XH đất nước.
Hàng năm, USPTO thực hiện nhiều khóa tập huấn, điển hình như tổ chức các “trại hè sáng chế”, mời những người có ý tưởng ĐMST, những doanh nhân khởi nghiệp ĐMST không chỉ của Hoa Kỳ mà cả các nước khác tham dự, chia sẻ về giá trị của tài sản trí tuệ, hướng dẫn họ cách thức để có thể thúc đẩy ý tưởng, phát triển thương hiệu, sản phẩm và đưa ra thị trường, tạo việc làm mới.
Năm 2021, USPTO tuyên truyền cho 250 nghìn trẻ em từ độ tuổi 6-11 về nội dung ĐMST, SHTT như: làm sao để bảo vệ ý tưởng của mình, bảo vệ thương hiệu và tôn trọng quyền SHTT như thế nào. Sắp tới, vào tháng 3, USPTO tiếp tục tổ chức sự kiện tương tự nhưng đối tượng tập trung vào doanh nhân khởi nghiệp là nữ với hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Hoa Kỳ cũng tích cực ứng dụng công nghệ đẩy nhanh việc cấp bằng Sáng chế và có thể hỗ trợ không tính phí cho đối tượng lần đầu nộp đơn nhằm khuyến khích những công nghệ mới hiện đại, thân thiện với con người nhằm thương mại hóa và đưa ra thị trường sớm nhất.
Sử dụng AI trong việc giảm bớt công việc của thẩm định viên như quá trình tra cứu tự động để thẩm định và cấp bằng sáng chế nhanh nhất. Đặc biệt, Ở Hoa Kỳ thành lập Hội đồng ĐMST, trong đó có mục tiêu thúc đẩy việc bảo hộ, bảo vệ quyền SHTT vì mọi người, và Bộ trưởng Bộ Thương mại là Chủ tịch Hội đồng, thành viên là các cơ quan của chính phủ có liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và ĐMST.
Nhiệm vụ của Hội đồng là đảm bảo cung cấp công cụ và sự tiếp cận quyền SHTT cho mọi người trên cả nước, chú trọng đến doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc những đối tượng chưa được tiếp cận hệ sinh thái ĐMST, đưa họ vào tham gia chia sẻ ý tưởng, bảo vệ họ để xây dựng những doanh nghiệp mạnh...
Đánh giá cao những kinh nghiệm USPTO chia sẻ, Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, Cục SHTT đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT cho các đối tượng là doanh nghiệp khởi nghiệp, phụ nữ, trẻ em, các trường đại học..., từ đó ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được lan tỏa và thực hiện.
Đặc biệt, Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi lần đầu tiên đã đề cập đến việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả.
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết thêm, Cục SHTT mong muốn USPTO chia sẻ thêm kinh nghiệm làm thế nào để nội dung về SHTT đi vào tất cả các lĩnh vực, bộ/ngành để đảm bảo hoạt động của nhà nước nói chung và bộ/ngành nói riêng về SHTT; chia sẻ cách thức vận hành, quản lý cơ quan SHTT; mở rộng và tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường hoạt động SHTT cho mọi đối tượng, đặc biệt là phụ nữ và giới trẻ.
Anh Minh