Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã đón tiếp và làm việc với Đại sứ quán Thụy Sĩ, đoàn chuyên gia Viện Sở hữu trí tuệ Liên bang Thụy Sĩ (IPI), đại diện Trung tâm Ươm tạo và Đổi mới sáng tạo, Đại học Ngoại Thương và Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn để thảo luận về đề xuất dự án hợp tác mới với Thụy Sĩ.

Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn Thụy Sĩ, có: Ông Werner Gruber, Trưởng phòng Hợp tác và cán bộ chương trình quốc gia; Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam và 2 điều phối viên dự án của IPI là ông Reto Mathias Meili và bà Alexandra Li Nightingale.

Về phía Cục Sở hữu trí tuệ, có: Ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ và đại diện lãnh đạo của các đơn vị liên quan trực thuộc Cục.

Bên cạnh đó, cuộc họp còn có sự tham dự của các chuyên gia tư vấn trong nước hiện đang tham gia thực hiện các dự án của Thụy Sĩ tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Cục Sở hữu trí tuệ, Đại sứ quán Thụy Sĩ và đoàn chuyên gia IPI
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Cục Sở hữu trí tuệ, Đại sứ quán Thụy Sĩ và đoàn chuyên gia IPI

Chủ trì buổi làm việc với đoàn, Phó cục trưởng Trần Lê Hồng cho biết quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ rất tốt đẹp, đặc biệt thương mại song phương những năm gần đây đạt xấp xỉ 900 triệu USD mỗi năm. Thụy Sĩ hiện đứng thứ 19/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tiềm năng cho Thụy Sĩ đầu tư thêm vào Việt Nam là rất lớn, vì Thụy Sĩ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 của ASEAN, đứng thứ 19 tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Phó cục trưởng cũng khẳng định mối quan hệ hợp tác đặc biệt giữa Cục Sở hữu trí tuệ và IPI trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong khoảng 10 năm từ 2001 - 2010, Thụy Sĩ đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế thông qua Chương trình Hợp tác đặc biệt và Dự án Việt Nam – Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ trên cơ sở Hiệp định bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ được ký tại Hà Nội ngày 7/7/1999.

Phát huy thành quả hợp tác đã đạt được, Phó cục trưởng Trần Lê Hồng cho rằng, việc hai bên phối hợp xây dựng và đề xuất dự án mới sẽ góp phần củng cố mối quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ nói chung và giữa Cơ quan sở hữu trí tuệ hai nước nói riêng.

Trên cơ sở đó, Phó cục trưởng đã nhấn mạnh những ưu tiên hợp tác của Cục Sở hữu trí tuệ để phía Thụy Sĩ xem xét đưa vào dự án mới, bao gồm:

(i) Chia sẻ thông tin về hệ thống chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ của hai nước liên quan đến việc giải quyết vấn đề chồng lấn trong bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, các vấn đề pháp lý về sở hữu trí tuệ cần đặt ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

(ii) Chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ;

(iii) Quản trị quyền sở hữu trí tuệ và nâng cao năng lực cho các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ;

(iv) Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, quản trị, tổ chức công việc, nâng cao năng suất, cơ chế tài chính, cung cấp dịch vụ sở hữu trí tuệ tại cơ quan sở hữu trí tuệ;

(v) Chia sẻ thông tin về cơ chế quản lý các hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp;

(vi) Chia sẻ phương pháp luận và thực tiễn về hỗ trợ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tiếp cận và vận dụng các chính sách, pháp luật về nhượng quyền, cấp phép, quản lý, định giá, thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ;

(vii) Chia sẻ thông tin về cơ chế bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý.

Đại diện cho Đại sứ quán Thụy Sĩ, Ông Werner Gruber chia sẻ thông tin về Chương trình toàn cầu về quyền sở hữu trí tuệ (GPIPR), do SECO tài trợ nhằm hỗ trợ các nước đang và kém phát triển cũng như các nền kinh tế mới nổi bảo vệ hiệu quả các quyền sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo thuận lợi cho việc thực thi Hiệp định TRIPS giai đoạn 2018 - 2024. Chương trình GPIPR được dành riêng cho các đối tác toàn cầu của SECO, trong đó có Việt Nam.

Ông Werner Gruber cho biết, các dự án hợp tác của SECO được xây dựng dựa trên bốn trụ cột chính (quản lý tài chính công; tiếp cận tài chính; thương mại và phát triển bền vững; phát triển đô thị) và việc đề xuất dự án hợp tác về sở hữu trí tuệ là hoàn toàn phù hợp với trụ cột thứ 3.  

Về phía IPI, hai chuyên gia đã ghi nhận và trao đổi, làm rõ những đề xuất hợp tác của Cục sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở đó, IPI đã chia sẻ thông tin cơ bản về cấu trúc của dự án mới và cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ hoàn thiện, xin ý kiến và trình cơ quan liên quan của Thụy Sĩ phê duyệt dự án. Nếu được tài trợ, dự án hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và IPI dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2024 và sẽ được triển khai trong 3 năm.

Trong khuôn khổ cuộc họp, hai bên đã trao đổi và thống nhất các lĩnh vực ưu tiên hợp tác, phương thức quản lý dự án và vai trò của các bên trong dự án mới với mục tiêu chính là nâng cao năng lực cho hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam và tăng cường khả năng sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ trong khu vực tư nhân.

Kết thúc cuộc họp, Phó cục trưởng Trần Lê Hồng gửi lời cảm ơn đến Đại sứ quán Thụy Sĩ và IPI đã dành sự quan tâm lớn cho lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Việt Nam, mong muốn hai bên sớm có dự án hợp tác mới nhằm nâng cao năng lực cho Cục và cho hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ vốn tốt đẹp giữa Cục Sở hữu trí tuệ và IPI nói riêng và giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung.

Minh Anh (Th)